Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 29.550 tỷ đồng trong 9 tháng
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng Vietcombank đạt 29.550 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 23.694 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã VCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng năm 2023.
Trong quý 3, Vietcombank mang về 9.051 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 19,6% so với quý 3/2022. Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ nhưng kết quả kinh doanh quý 3 năm nay vẫn thấp nhất trong 4 quý gần nhất.
Chi phí hoạt động quý 3/2023 giảm tới 17,9% xuống còn 5.233 tỷ. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng giảm gần một nửa xuống còn 1.494 tỷ đồng.
Nhờ chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro đều giảm mạnh so với cùng kỳ nên lợi nhuận quý 3 tiếp tục tăng trưởng dù tổng thu nhập giảm.
[Vietcombank giảm thêm lãi suất huy động, thấp hơn giai đoạn COVID-19]
Tính chung 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng Vietcombank đạt 51.764 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Mặt khác, chi phí hoạt động giảm 3,2% xuống 16.163 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm mạnh các khoản chi cho hoạt động quản lý công vụ. Chi phí dự phòng rủi ro còn 6.051 tỷ đồng, tương ứng giảm 22,3%.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Vietcombank đạt 29.550 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 23.694 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản Vietcombank ở mức hơn 1,7 triệu tỷ đồng, giảm 4,5% so với đầu năm. Tổng tài sản của Vietcombank giảm do nguyên nhân chủ yếu là tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm hơn 63.000 tỷ xuống còn hơn 29.300 tỷ đồng, tương đương giảm 68%.
Dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng hơn 44.700 tỷ trong 9 tháng, tăng 3,9%. Nợ xấu cuối quý 3 tăng 84% so với đầu năm, đạt 14.393 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tính đến hết quý 3 đạt 1,21% trong khi thời điểm cuối năm 2022 là 0,68%.
Huy động tiền gửi khách hàng của Vietcombank tăng 8,5% trong 9 tháng và đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 31,3%.
Cũng trong báo cáo tài chính này, Vietcombank cho biết ngân hàng đang nắm giữ 37.708 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm 30/9/2023. Trước đó, Vietcombank không nắm giữ loại giấy tờ có giá này vào cuối quý 2.
Với việc nắm giữ hơn 37.700 tỷ đồng tín phiếu, Vietcombank đã mua vào hơn 40% lượng tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong tháng Chín.
Ngày 20/10 vừa qua, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng “châm ngòi” giảm thêm 0,2 điểm % lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm từ 3%/năm xuống còn 2,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 3,3% xuống 3,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 giảm cũng giảm 0,2% xuống còn 4,1%/năm.
Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ngân hàng áp dụng chung một mức 5,1%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước. Đây cũng là lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank hiện nay.
Với đợt điều chỉnh trên, Vietcombank đã có tới 3 lần giảm lãi suất trong hơn 1 tháng. Cụ thể, ngân hàng này đã giảm 0,3 điểm % lãi suất tiền gửi từ ngày 14/9, sau đó tiếp tục giảm thêm 0,2 điểm % từ ngày 3/10. Tổng mức giảm lãi suất huy động trong 1 tháng qua lên tới 0,7 điểm %.
Mức lãi suất 5,1% hiện nay của Vietcombank đã là mức thấp nhất trong lịch sử của ngân hàng này, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19. Cụ thể, Vietcombank đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.
So với mức lãi suất cao nhất được thiết lập vào cuối năm ngoái (tháng 12/2022) là 7,4%/năm, Vietcombank đã giảm tới 2,3%/năm sau chưa đầy 1 năm./.