Lợi nhuận của doanh nghiệp chứng khoán giảm theo thị trường

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta, hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán vẫn tiếp tục ghi nhận kết quả không mấy khả quan trong quý 2/2022, phản ánh thanh khoản ảm đạm trên thị trường.

Khách hàng theo dõi thị trường chứng khoán. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chứng khoán luôn gắn liền với diễn biến của thị trường. Do đó, trong bối cảnh thị trường giảm mạnh cả về điểm số và thanh khoản, lợi nhuận của các doanh nghiệp chứng khoán trong quý 2/2022 và nửa đầu năm nay đã sụt giảm mạnh.

Lợi nhuận giảm tốc

Thời điểm này, một số doanh nghiệp ngành chứng khoán đã có báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, qua đó hé lộ những khó khăn chung của doanh nghiệp ngành này.

Cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (mã chứng khoán VIX) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với tổng doanh thu hoạt động là 321,7 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi trước thuế 69,6 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, cho vay margin (giao dịch ký quỹ) giảm mạnh trong quý 2 năm nay. Tại ngày 30/6, giá trị cho vay margin của VIX là 642,76 tỷ đồng. Trong khi đó, thời điểm cuối quý 1, giá trị cho vay margin là 2.338 tỷ đồng. Như vậy, quy mô cho vay của công ty giảm gần 1.700 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận lãi trước thuế 404,4 tỷ đồng, giảm 23,7% so với 6 tháng đầu năm ngoái.

Trước bối cảnh khó khăn chung của thị trường chứng khoán, thậm chí có doanh nghiệp ngành này còn thua lỗ trong nửa đầu năm. Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt. Theo công bố kết quả kinh doanh quý 2, doanh nghiệp báo lỗ gần 21 tỷ đồng do tác động chính từ mảng tự doanh. Trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh nghiệp lãi hơn 2 tỷ đồng.

Mảng tự doanh là mảng hoạt động chính của Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt, khác với nhiều công ty trong ngành, mảng môi giới chứng khoán và cho vay margin không đem lại doanh thu cho đơn vị này.

Đối với các doanh nghiệp chứng khoán đầu ngành như Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect vẫn đạt được lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm nhưng con số lợi nhuận quý 2 cho thấy tăng trưởng đã giảm tốc.

[Chứng khoán tuần từ 18-22/7: Cân nhắc yếu tố giá giảm về vùng hấp dẫn]

Lãnh đạo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng của doanh nghiệp là 1.620 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành xấp xỉ 45% kế hoạch kinh doanh cả năm. Lợi nhuận quý 2/2022 của VNDirect vào khoảng 660 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với quý trước.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục biến động theo chiều hướng tiêu cực kể từ đầu tháng 4/2022 trước hàng loạt các thông tin bên ngoài tác động như xung đột Nga-Ukraine, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu tăng cao, các biện pháp cứng rắn nhằm tăng sự minh bạch trên thị trường...

Thị trường chứng khoán trong nước khép lại quý 2/2022 với không khí ảm đạm bao trùm gần như tất cả các mã cổ phiếu xuất hiện giao dịch.

Kết phiên giao dịch 30/6/2022, chỉ số VN-Index đứng mức 1.197,60 điểm, giảm 7,36% so với tháng Năm, nhưng đã giảm 20,07% so với cuối năm 2021; HNX-Index giảm đến 41,42% xuống 277,68 điểm. Trên cả 3 sàn có đến hơn 520 mã cổ phiếu nằm dưới mệnh giá.

Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng có sự đi xuống rõ rệt. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong nửa đầu năm 2022 đạt 25.673 tỷ đồng/phiên, giảm 14,8% so với nửa cuối năm ngoái; trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 15,2% xuống 23.677 tỷ đồng.

Nếu chỉ tính riêng quý 2, giá trị giao dịch bình quân giảm đến 34,2% xuống 20.525 tỷ đồng/phiên; trong đó giá trị khớp lệnh bình quân đạt chỉ 18.654 tỷ đồng/phiên, giảm 35,8%.

Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc VNDirect cho rằng thị trường chứng khoán đang đối mặt với những rủi ro liên quan đến yếu tố vĩ mô từ các vấn đề liên quan đến xung đột về địa chính trị, mâu thuẫn liên quan đến chiến tranh thương mại, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và vấn đề lạm phát leo thang ở nhiều quốc gia…

Tuy vậy, theo ông Long, trong dài hạn, Việt Nam vẫn là một điểm sáng với nền tảng vĩ mô ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong chu kỳ tới.

Áp lực cạnh tranh tăng cao

Theo Giám đốc nghiên cứu và phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta (Việt Nam) Matthew Smith, sự phân mảnh (thị trường với mức độ tập trung cực thấp được gọi là thị trường phân mảnh) của ngành chứng khoán vẫn là một rủi ro đầu tư trọng yếu đối với ngành này.

Chứng khoán Yuanta (Việt Nam) đã từng đưa ra quan điểm cho rằng các công ty chứng khoán nước ngoài là những đối thủ cạnh tranh đối với các công ty chứng khoán trong nước.

Áp lực cạnh tranh chỉ gay gắt khi số lượng các công ty chứng khoán nước ngoài và các công ty chứng khoán liên ngân hàng trong nước tiếp tục tăng lên.

Có thể, sự thay đổi rõ rệt nhất trong một năm qua là sự phân mảnh của ngành chứng khoán trong nước có vẻ đã trở nên nghiêm trọng hơn, trong khi các công ty chứng khoán nước ngoài vẫn tiếp tục thâm nhập vào thị trường, đặc biệt là đối với mảng cho vay ký quỹ.

Khách hàng giao dịch chứng khoán. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tuy nhiên, sự bùng nổ của thị trường rõ ràng đã phần nào làm giảm tác động của sự cạnh tranh do số lượng cổ phiếu, thanh khoản, và hoạt động cho vay ký quỹ vẫn gia tăng, miễn là thị trường vẫn tiếp tục “nhảy múa."

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta, thị trường vốn là một thành phần quan trọng của cả hệ thống tài chính, thị trường này đại diện cho một hệ tuần hoàn quan trọng của nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.

Các công ty chứng khoán là những lựa chọn sẵn có tốt nhất cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm những đại diện cho sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Các công ty chứng khoán đã hoạt động rất tích cực và giá cổ phiếu cũng đã tăng rất mạnh trong năm 2021 - giai đoạn bùng nổ của thị trường. Tuy nhiên, thị trường không thể tăng mãi và trên thực tế, xu hướng giảm đã bắt đầu từ tháng 1, khiến nhiều nhà đầu tư vay ký quỹ gặp khó khăn.

Hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán vẫn tiếp tục ghi nhận kết quả không mấy khả quan trong quý 2/2022, phản ánh thanh khoản ảm đạm trên thị trường.

Phần lớn lợi nhuận của các công ty chứng khoán không đến từ mảng môi giới và kết quả tự doanh không nhất thiết phải “neo” theo các chỉ số. Tuy nhiên, giá trị giao dịch trung bình/ngày (ADT) và kết quả về điểm số của VN-Index là những tập giá trị rất lớn, là chỉ báo cho kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán và tất nhiên, giá cổ phiếu có tương quan rất chặt chẽ với ADT và các chỉ số.

Giá trị giao dịch bình quân/ngày (ADT) trên toàn thị trường đạt 1.368 triệu USD vào quý 1/2022, nhưng ADT trong quý 2 đã giảm 32% so với quý 1, chỉ còn 929 triệu USD (tính đến ngày 17/6).

Giá cổ phiếu cũng đã giảm trong quý 2/2022, chỉ số VN-Index đã giảm 21% tính đến ngày 7/7/2022. Chỉ số vốn hóa vừa và nhỏ HNX-Index (chỉ số chính của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) đã giảm đến 38% trong cùng giai đoạn tương tự.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta, dư nợ ký quỹ có thể đã giảm xấp xỉ 15-20% so với quý 1/2022. Tất cả những yếu tố đã nêu trên cho thấy điều kiện kinh doanh không mấy thuận lợi đối với doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong quý 2/2022.

Theo quan điểm của Yuanta Việt Nam, thị trường chứng khoán có thể vẫn sẽ ảm đạm trong vài tuần tháng Bảy và diễn biến giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán trong ngắn hạn có thể sẽ phản ánh điều này.

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, sẽ có xấp xỉ 3 tỷ USD vốn được bổ sung vào nguồn cho vay ký quỹ khi các công ty chứng khoán tăng vốn cổ phần. Điều này sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thị trường và cả lợi nhuận của các công ty chứng khoán./.

Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)