Lời nguyền địa chính trị: Nguyên nhân khiến Syria chìm trong bất ổn
Bên cạnh xung đột về tôn giáo và ý thức hệ, việc Syria thiếu các hàng rào phòng thủ tự nhiên cũng như sự phân mảnh về địa lý đã đẩy nước này vào vòng luẩn quẩn xung đột.
Khi nhóm nổi dậy do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) cầm đầu giành thắng lợi, lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhiều người có thể mong về một viễn cảnh khôi phục ổn định tại đất nước vốn bị xung đột tàn phá này. Tuy nhiên, triển vọng này vẫn còn rất xa vời.
Mặc dù cuộc xung đột ở Syria là một cuộc xung đột về giáo phái và ý thức hệ, nhưng nó cũng luôn là một cuộc chiến được tạo ra và thúc đẩy bởi vấn đề địa lý của đất nước này. Sự kết thúc của chương chiến tranh này có thể là sự khởi đầu của chương xung đột tiếp theo.
Địa lý luôn trừng phạt Syria. Đất nước này thiếu các rào cản tự nhiên đáng kể, cả trong lãnh thổ và dọc theo biên giới của mình. Về bản chất, Syria có các hàng rào phòng thủ bên ngoài để ngăn chặn các cuộc xâm lược cũng như các thành trì bên trong như một tuyến phòng thủ cuối cùng.
Hầu hết các biên giới hiện đại của Syria đều là nhân tạo chứ không phải tự nhiên. Điều này dẫn đến các ranh giới mong manh, góp phần vào sự thiếu độc lập và cũng như thiếu bản sắc dân tộc trong lịch sử của Syria.
Tình trạng địa lý phân mảnh của Syria đã chia lãnh thổ thành sáu phần riêng biệt: một ốc đảo ở phía tây nam, một cửa ngõ ở phía bắc, một dải bờ biển ở phía tây, một cao nguyên gồ ghề ở phía nam, một hành lang bắc-nam và vùng đất bằng phẳng, cằn cỗi ở phía đông.
Đằng sau những ngọn núi của Lebanon là một ốc đảo được bao quanh bởi những ngọn núi ở một bên và sa mạc ở bên kia. Damascus nằm ở trung tâm ốc đảo này, hoạt động giống như một pháo đài nhỏ.
Mặc dù Damascus nằm ở trung tâm nhưng các tuyến đường nối Damascus với phần còn lại của đất nước rất thưa thớt và hiếm hoi. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi người cai trị Damascus cần một chính phủ quân sự hóa với nắm đấm sắt để cai trị toàn bộ quốc gia bị chia cắt này.
Ở phía bắc là Aleppo, một cửa ngõ thương mại tự nhiên giữa Tiểu Á ở phía bắc và Lưỡng Hà ở phía đông, kết nối với vùng Levant. Những người cai trị khu vực Tiểu Á - người La Mã, sau đó là người Ottoman, và hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ - luôn thèm muốn trung tâm thương mại đông đúc này.
Sự yếu kém của Aleppo trước các thế lực của Tiểu Á, cùng với sự tự tin có được từ vị trí thương mại chiến lược, đã liên tục khiến nơi này trở thành đối thủ đáng gờm nhất của Damascus ở Syria. Do đó, kiểm soát trung tâm kinh tế này là bước đi quan trọng nhất đối với người cai trị Damascus.
Về phía tây, một dãy núi hẹp và thấp nhìn ra Địa Trung Hải, tạo thành một dải bờ biển dài nhưng mỏng, theo truyền thống là nơi trú ẩn của các nhóm tôn giáo thiểu số như người Alawite và người theo đạo Thiên chúa.
Latakia và Tartus nằm ở đây là tuyến đường giao thương, kết nối quan trọng với thế giới bên ngoài. Do đó, kiểm soát khu vực ven biển này là điều cần thiết để duy trì mối liên hệ với các đồng minh bên ngoài, cùng nhau tạo thành nền tảng cho quyền lực của người cai trị Damascus ở vùng đất biên giới này.
Giữa hai khu vực này có một hành lang song song với sông Orontes, nối ốc đảo Damascus với cửa ngõ thương mại của Aleppo. Các thành phố Homs và Hama nằm dọc theo hành lang này.
Một mặt, việc duy trì quyền kiểm soát Aleppo chỉ có thể thực hiện được thông qua con đường này. Mặt khác, cuộc nổi loạn chống lại Damascus thường liên quan đến việc phá vỡ an ninh của hành lang này.
Nói cách khác, tuyến đường Damascus-Aleppo vừa là hành lang kiểm soát vừa là hành lang nổi loạn. Không phải ngẫu nhiên mà sông Orontes còn được gọi là "sông Nổi loạn."
Về phía đông là Thung lũng sông Euphrates và một vùng đất rộng lớn bằng phẳng nhưng cằn cỗi, tạo thành một phần của vùng Jazira, bao gồm ba thành phố lớn: Mosul, Amid (nay là Diyarbakir) và Raqqa.
Không giống như Diyarbakir, hai khu vực còn lại chủ yếu nói tiếng Arab và đóng vai trò là thành trì cho các bộ lạc du mục có tính di động cao. Vùng đất này đồng nhất và người dân có chung đặc điểm tôn giáo và ngôn ngữ, trải dài từ Mosul đến Raqqa.
Trong suốt chiều dài lịch sử, hai khu vực này có mối liên hệ chặt chẽ, theo đó người cai trị Mosul, thay vì người cai trị Damascus, thường cai trị Raqqa và ngược lại.
Địa hình gồ ghề của Jabal al-Druze và Cao nguyên Hauran ở phía nam, gần biên giới Jordan, tạo nên một khu vực khác của đất nước, là nơi ẩn náu an toàn cho các tôn giáo bị đàn áp như Druze.
Không giống như hầu hết các vùng đất khác, nơi chủ yếu là người Hồi giáo Sunni, các ngọn núi phía nam và đặc biệt là dải bờ biển nổi tiếng với sự đa dạng về tôn giáo và giáo phái của các nhóm thiểu số. Tuy nhiên, sự đa dạng này không tạo ra sự thống nhất.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc thiếu một chính quyền quốc gia mạnh mẽ nằm ở địa lý bị chia cắt của đất nước này. Khi không có chủ quyền quốc gia, bản sắc dân tộc của đất nước cũng yếu đi. Do đó, Syria đã trở thành mục tiêu tấn công và âm mưu của các cường quốc khu vực và quốc tế khác.
Quan trọng hơn, các giải pháp thay thế khả thi và dễ tiếp cận có thể phá vỡ toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Vì lý do này, các chính phủ đã dùng đến biện pháp đàn áp cứng rắn để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ nội bộ tiềm tàng.
Các chiến dịch quân sự, trao đổi thương mại và giao thoa tôn giáo đều góp phần vào sự chia cắt và bất ổn trong lịch sử của Syria, một vùng đất có nhiều người dân thuộc các dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau sinh sống.
Trong bối cảnh căng thẳng nội bộ dai dẳng giữa những nhóm dân tộc không đồng nhất này ở một vùng đất có hàng nghìn năm lịch sử, việc thành lập một chính quyền quốc gia thống nhất, độc lập đã tỏ ra vô cùng khó khăn.
Thất bại trong Chiến tranh Arab-Israel năm 1948 không chỉ làm mất ổn định thêm nền cộng hòa non trẻ của Syria mà còn khuếch đại hệ tư tưởng của Chủ nghĩa toàn Arab đến mức Syria, cùng với Ai Cập đã thành lập Cộng hòa Arab Thống nhất (UAR) dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser.
Sự sụp đổ của UAR và thậm chí là thất bại thảm hại trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 với Israel không làm giảm sức mạnh của hệ tư tưởng này. Với cuộc đảo chính của Hafez al-Assad và sự trỗi dậy của chế độ Baathist vào năm 1970, Syria đã đạt được sự ổn định chính trị thông qua một chế độ nắm đấm sắt.
Tóm lại, những năm đầu độc lập, được đánh dấu bằng các chính phủ tồn tại trong thời gian ngắn và sự thiếu vắng một hệ thống chính trị ổn định, đã biến Syria thành mảnh đất màu mỡ cho các hệ tư tưởng cấp tiến. Tuy nhiên, chế độ Baathist dường như đã giải quyết được vấn đề mong manh về chính trị.
Tuy nhiên, làn sóng Mùa xuân Arab đã tràn vào Syria, gây ra một cuộc xung đột do các lực lượng dân quân Salafi nước ngoài thúc đẩy và trở nên trầm trọng hơn do bạo lực cực đoan từ các lực lượng Syria.
Cuộc chiến này dẫn đến tình trạng di dời hàng loạt và phá hủy cơ sở hạ tầng của đất nước. Một lần nữa, địa lý đóng vai trò quyết định trong cuộc nội chiến tàn khốc của Syria.
Nhà nước Hồi giáo đã kiểm soát Raqqa và thống trị Mosul. Damascus duy trì quyền kiểm soát bờ biển Địa Trung Hải, được hỗ trợ từ đồng minh xa xôi là Nga, trong khi các lực lượng đối lập, được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, kiểm soát Aleppo.
Phần lớn các trận chiến tập trung vào hành lang nối Damascus qua Homs và Hama với cửa ngõ thương mại của Aleppo. Giai đoạn đầu của cuộc nội chiến kết thúc với chiến thắng của Assad và các đồng minh Nga-Iran khi họ giành được quyền kiểm soát hành lang này.
Logic địa lý luôn chỉ ra rằng bất kỳ ai nắm giữ hành lang Homs-Hama sẽ nổi lên như người chiến thắng quyết định ở Syria. Sự sụp đổ của chính quyền Assad trở nên không thể tránh khỏi khi quân nổi dậy giành được quyền kiểm soát vùng đất đó.
Lực lượng nổi dậy giờ đã chiếm được Damascus và có thể tin rằng số phận của Syria giờ nằm trong tay họ. Tuy nhiên, họ sẽ sớm nhận ra rằng họ sẽ không bao giờ có thể thống trị địa lý của đất nước này./.