Loạt sự kiện chuyển đổi số ngân hàng sẽ diễn ra vào tháng Tám
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị, qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%.

Ngày 28/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Họp báo công bố sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành ngân hàng năm nay dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 3/8 tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Theo đó, có các sự kiện chính: Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tăng cường kết nối, thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng” nhằm tổng kết các thành tựu về chuyển đối số, đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành ngân hàng với 13 gian hàng gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, TPBank, Techcombank, VIB, MB, ACB, KienLongBank, NamABank và HDBank.
[Giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính tăng 114% về giá trị]
Ngoài ra, có thêm công ty trung gian thanh toán là VNPay nhằm giới thiệu các công nghệ, dịch vụ tiêu biểu như dịch vụ ngân hàng trực tuyến, máy giao dịch ngân hàng tự động STM, chi nhánh ngân hàng 4.0, các dịch vụ thanh toán hiện đại như thanh toán QR code, Tap to pay, Livebank, thanh toán phi tiếp xúc...
Cũng theo bà Hòa, Ngân hàng Nhà nước quyết định chọn ngày 11/5 là “Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng” với các lý do: Đây là ngày Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành ngân hàng ký ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, tháng Năm cũng là tháng có nhiều sự kiện như thành lập ngành ngân hàng (6/5) và các hoạt động chuyển đổi số, do đó, việc lựa chọn ngày 11/5 là “Ngày chuyển đổi số” sẽ giúp cho việc tổ chức các hoạt động được thuận lợi và tạo hiệu ứng lan tỏa. Năm nay do dịch COVID diễn biến phức tạp nên Ngân hàng Nhà nước quyết định lùi sự kiện này đến ngày 3/8.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Anh Dũng - Vụ phó phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh.
Ông Dũng cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021); có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC).
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng các sản phẩm số; tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng…/.