Loại bỏ tâm lý dùng 'chùa,' xâm phạm bản quyền của thế hệ trẻ

Theo các chuyên gia, giới trẻ vẫn đang xâm phạm bản quyền một cách ngây thơ và nhiều khi cũng là cố ý do chưa thấu hiểu những mất mát to lớn của nhà sản xuất nội dung khi họ bị xâm phạm bản quyền.

Thế hệ trẻ sẽ đi đầu trong các hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. (Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

Chiều 26/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tọa đàm “Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng” nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo, từ đó phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Lê Quang Tự Do chỉ ra một thực tế đáng buồn là nhiều bạn trẻ thường thích dùng “chùa” miễn phí, trong khi số tiền bỏ ra để đăng ký các ứng dụng thuê bao có bản quyền không hề đắt đỏ.

[Tạm thu hồi Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 với tác phẩm nghi đạo văn]

Ông cho rằng điều đó cần khắc phục bằng cách nâng cao nhận thức của người dùng Internet và hoàn thiện nền tảng luật pháp về sở hữu trí tuệ.

Cùng quan điểm đó, ông Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam cho rằng nhiều bạn trẻ chưa thấu hiểu những mất mát to lớn của nhà sản xuất nội dung khi họ bị xâm phạm bản quyền.

Nhắc lại câu chuyện cậu thanh niên 18 tuổi quay lén và livestream phim “Cô Ba Sài Gòn” vài năm trước hay trường hợp phát tán phim lậu trên phimmoi.net, ông cho rằng giới trẻ vẫn đang xâm phạm bản quyền một cách ngây thơ và nhiều khi cũng là cố ý.

“Hiện nay nhiều nhà cung cấp đưa ra giá thuê bao rất rẻ để người xem có thể thưởng thức những sản phẩm giải trí chất lượng và có bản quyền. Vấn đề là người xem cần tự tìm hiểu, nâng cao nhận thức của mình,” ông nói.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng nếu khắc phục được tình trạng trên, thế hệ trẻ sẽ là lực lượng tạo nên sự thay đổi tích cực trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

“Tôi hy vọng và tin tưởng các bạn trẻ, cùng với sự nhiệt huyết, đam mê và năng động của mình sẽ tiếp tục thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học và giữ vai trò tiên phong, đi đầu trong các hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và cùng nhau kiến tạo nên một tương lai tươi sáng,” ông nói.

Dẫn số liệu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền tại các nước phát triển: Tại Mỹ là 11,99% GDP, tại Hàn Quốc là 9,89% GDP, tại Trung Quốc là 7,35% GDP, ông Việt khẳng định bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.

Tọa đàm diễn ra với sự tham gia của nhiều bạn trẻ. (Ảnh: Báo Văn hóa)

Để tăng cường quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng, trong thời gian qua, ông Việt cho hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành việc xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền hồ sơ đề xuất gia nhập hai hiệp ước về Internet của WIPO là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT).

Việt Nam vừa mới trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17/2/2022 và sẽ là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1/7/2022.

Để thực thi các điều khoản của hiệp ước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để trình Quốc hội thông qua trong tháng 5/2022.

Ngoài ra, cơ quan này cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chuyển đổi số và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng./.

Minh Thu (Vietnam+)