Lo ngại về tính bền vững của tỷ lệ xuất siêu tại Bình Dương
Một số doanh nghiệp nước ngoài tại Bình Dương chuyên gia công hàng xuất khẩu đã nhập và tái xuất sản phẩm qua nước thứ ba, dẫn đến dòng hàng đối lưu chưa đủ bổ sung, ít nhập máy móc và thiết bị...
Trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bình Dương - được mệnh danh là thủ phủ công nghiệp đã đạt mức xuất siêu xấp xỉ 4,4 tỷ USD.
Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong thời gian 5 tháng đã cán mốc 13,7 tỷ USD, là một tín hiệu tích cực cho hoạt động sản xuất và thương mại của tỉnh.
Ông Xô cho biết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như may mặc, giày da, và đồ gỗ đã có sự tăng trưởng đáng kể. Việc xuất khẩu tăng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, góp phần cải thiện đời sống của người lao động trong khu vực. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về tính bền vững của tỷ lệ xuất siêu này.
Mặc dù kết quả xuất siêu là một thành tựu đáng khen ngợi nhưng ông Xô cảnh báo rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Một số doanh nghiệp nước ngoài tại Bình Dương chuyên gia công hàng xuất khẩu đã nhập và tái xuất sản phẩm qua nước thứ ba, dẫn đến dòng hàng đối lưu chưa đủ bổ sung, ít nhập máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu...
Xu hướng "xuất nhiều nhưng nhập ít" có thể tạo ra sự mất cân đối và thiếu bền vững cho nền kinh tế. Theo đó, tính bền vững trong xuất siêu và thu ngoại tệ thực cho tỉnh vẫn chưa tương xứng do còn lệ thuộc lĩnh vực đầu tư FDI còn khá lớn.
Ngoài ra, việc đồng tiền mất giá do lạm phát cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu, làm tăng rủi ro tiềm ẩn cho doanh nghiệp.
Theo ông Xô, dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng dòng xe container vẫn chưa tấp nập như trước đây, cho thấy hoạt động kinh doanh chưa thực sự khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới, chưa thể chủ động trong việc duy trì sản xuất.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, trong tháng 5 năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Các doanh nghiệp đã có nhiều đơn hàng mới, tạo điều kiện gia tăng tuyển dụng lao động.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ cần thêm khoảng 30.000 lao động có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh, đã yêu cầu các cơ quan, ban ngành tập trung vào công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành tài chính cần phối hợp tốt với các địa phương để bảo đảm thu ngân sách, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xuất khẩu nhưng vẫn cần có những biện pháp mạnh mẽ và kịp thời để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Việc quản lý tốt dòng hàng đối lưu, ổn định sản xuất, xuất khẩu hàng hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp là những yếu tố then chốt giúp thủ phủ công nghiệp Bình Dương tiếp tục phát triển./.