Lĩnh vực huyết học-Truyền máu với những bước tiến vượt bậc được đánh giá cao

Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 660 ca ghép tế bào gốc, đồng thời chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho một số bệnh viện trong nước.

Chuyên ngành huyết học-truyền máu với những bước tiến vượt bậc được đánh giá cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chuyên ngành huyết học-truyền máu với những bước tiến vượt bậc được đánh giá cao. Thời gian qua, chuyên ngành đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế về việc ứng dụng những kỹ thuật, phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý huyết học cũng như trong công tác đảm bảo an toàn truyền máu.

Phó giáo sư Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị khoa học Huyết học-Truyền máu toàn quốc năm 2024 diễn ra từ ngày 28-29/11, tại Hà Nội.

Trong lĩnh vực ghép tế bào gốc tạo máu tiếp tục phát triển với việc triển khai nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau. Việc điều trị biến chứng sau ghép đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, đem đến cơ hội sống cho nhiều người bệnh. Riêng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 660 ca ghép tế bào gốc, đồng thời chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho một số bệnh viện, giúp nhiều người bệnh tiếp cận với phương pháp điều trị hiện đại này.

Theo Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, lĩnh vực di truyền-sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gene ở các bệnh máu; góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý huyết học và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền. Hoạt động phòng bệnh tan máu bẩm sinh, căn bệnh di truyền với 13,8% dân số mang gene bệnh cũng được đẩy mạnh tại nhiều địa phương.

Trong lĩnh vực truyền máu đã đảm bảo được nguồn máu an toàn, chất lượng cho công tác điều trị; tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đạt trên 97%. Trong đó, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã chủ động, tích cực và sáng tạo trong xây dựng nguồn người hiến máu, điều tiết máu và sử dụng máu an toàn trên phạm vi toàn quốc.

Các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế chủ trì phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh, trong thời gian tới ngành huyết học-truyền máu sẽ tập trung vào các kỹ thuật mới nhất mà khu vực và thế giới đang phát triển như: ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, các lĩnh vực liên quan đến điều trị tế bào như liệu pháp CAR-T, điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới. Đây là những phương pháp điều trị chính xác, hiệu quả hơn nhiều so với trước kia, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và chữa khỏi bệnh trong một số trường hợp.

Hội nghị năm nay quy tụ 1.600 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ các nền y học tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Singapore; các nhà khoa học đầu ngành trong nước về huyết học-truyền máu, các bác sỹ, dược sỹ, cử nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng đến từ các bệnh viện, các trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn quốc. Đây là kỳ Hội nghị có quy mô lớn nhất với số lượng đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay.

Hội nghị với 121 báo cáo thuộc tất cả các lĩnh vực thuộc chuyên ngành huyết học-truyền máu, được chia thành 17 phiên bao gồm: 02 phiên toàn thể, 11 phiên chuyên đề (thuộc các lĩnh vực: Huyết học lâm sàng, huyết học cận lâm sàng, di truyền-sinh học phân tử, truyền máu, tế bào gốc, Thalassemia-Hemophilia-Đông máu, dược lâm sàng) và 04 phiên thi báo cáo viên trẻ.

Trong đó, 5 chuyên gia quốc tế sẽ trình bày 6 báo cáo cập nhật kiến thức về các vấn đề: ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn tăng sinh ngoài cơ thể, điều trị nhắm đích, bệnh lý huyết khối và các biến chứng chảy máu liên quan tới cấy ghép thiết bị tạo nhịp tim và can thiệp mạch máu não…

Trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra 06 hội thảo vệ tinh và triển lãm y khoa chuyên ngành huyết học-truyền máu với 32 gian trưng bày, giúp các cán bộ y tế cập nhật những tiến bộ mới về trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất, sinh phẩm… phục vụ hoạt động chuyên môn./.