Liệu BRICS có đồng thuận việc kết nạp thêm thành viên mới hay không?
Nội dung thu hút nhiều sự chú ý nhất tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay là liệu các nước sáng lập của BRICS có đạt được sự nhất trí trong việc kết nạp thêm thành viên mới hay không.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ diễn ra tại thành phố Jahannesburg của Nam Phi 22-24/8 tới.
Chương trình nghị sự của hội nghị năm nay dự kiến bao gồm các cuộc thảo luận về biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phát triển bền vững, đổi mới và cải cách quản trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, nội dung thu hút nhiều sự chú ý nhất là liệu các nước sáng lập của BRICS có đạt được sự nhất trí trong việc kết nạp thêm thành viên mới hay không. Nếu có, thì việc mở rộng khối này sẽ đem lại lợi ích gì cho BRICS nói riêng và thế giới nói chung.
Một BRICS đang suy yếu
Tên gọi BRICS bắt nguồn từ cách chơi chữ, kết hợp chữ cái đầu tiên trong tên gọi của năm nền kinh tế mới nổi có tiềm năng lớn lại với nhau.
Kể từ khi thành lập vào năm 2009, nhiều nhà chuyên môn đã đánh giá cao sự hiện diện của BRICS, coi đây là đối trọng của các diễn đàn ngoại giao truyền thống do phương Tây chi phối, như Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và 26% kinh tế toàn cầu. Trong thập niên đầu (2010), cả năm nền kinh tế thành viên BRICS đều phát triển rất tốt.
[Điện Kremlin: Việc mở rộng BRICS sẽ giúp nhóm lớn mạnh hơn]
Năm thành viên có tham vọng đưa BRICS trở thành một diễn đàn quan trọng, thúc đẩy các nền kinh tế thị trường mới nổi, tăng cường hợp tác thông qua việc đưa ra một loạt sáng kiến mới, bao gồm thành lập Ngân hàng phát triển mới (NDB), quỹ dự trữ khẩn cấp lên tới 100 tỷ USD, thúc đẩy thanh toán bằng đồng nội tệ.
Đáng tiếc là bước sang thập niên thứ hai (2020), hiệu quả kinh tế của BRICS bắt đầu sa sút, khi mỗi nước thành viên trong khối đều đối mặt với các khó khăn.
Kinh tế Nga, Brazil và Nam Phi liên tục đi xuống. Trong vòng 10 năm tính đến năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ba nước này chỉ tăng lần lượt là 13%, 7% và 12%.
Mặc dù tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ đã chậm lại, nhưng vẫn ghi nhận ở mức cao. Năm 2022, GDP của Trung Quốc đạt gần 18.000 tỷ USD, nhiều hơn 50 lần so với Nam Phi.
Kết quả là BRICS bị mất cân bằng nghiêm trọng.
Nga, một thành viên lớn của BRICS đang “sa lầy” trong cuộc xung đột với Ukraine và bị các nước phương Tây trừng phạt kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ lại thiếu sự đồng thuận về một loạt vấn đề lớn và gần như không thể hợp tác chiến lược.
Ngân hàng NDB, dấu ấn lớn nhất của BRICS, kể từ khi ra đời vào năm 2015, chỉ phê duyệt được các dự án trị giá 33 tỷ USD, chưa bằng 1/3 so với cam kết 104 tỷ USD giải ngân trong năm tài chính 2022 của Ngân hàng Thế giới (WB).
Và mục tiêu phi USD hóa của BRICS, giải pháp cho các nước đang phát triển muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD, cho đến nay chưa đem lại hiệu quả.
Sáng kiến BRICS+
Tại hội nghị thường niên năm 2017, khi Trung Quốc đảm nhận vai trò chủ nhà, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra chủ trương “BRICS+,” đề cập đến việc kết nạp thành viên mới vào BRICS.
Theo nhà kinh tế trưởng Yaroslav Lissovolik của Ngân hàng Phát triển Á-Âu (EADB), một khối BRICS mở rộng sẽ trở thành mô hình hội nhập mới cho nền kinh tế toàn cầu.
Ông Lissovolik cho rằng quá trình hội nhập trước đây diễn ra trong phạm vi khu vực và BRICS đem đến một cách thức hội nhập đa dạng, chuyển động không ngừng, hướng tới việc thiết lập quan hệ thân thiện giữa các châu lục và các khu vực trên thế giới. Việc mở rộng khối này sẽ thúc đẩy tiến trình hội nhập lên một nấc cao mới.
Giáo sư Sebastian Maslow, giảng viên tại Đại học Sendai Shirayuri của Nhật Bản, nhận định sự tham gia ngày càng tăng vào các khuôn khổ đa phương khác nhau cho thấy rằng quyền lực và lợi ích quốc gia đang nhanh chóng được đa dạng hóa trong thế giới ngày nay.
Giáo sư Maslow khẳng định nếu được mở rộng, BRICS+ sẽ có thể cung cấp cho các nền kinh tế mới nổi khác một nền tảng để tiếng nói của họ được lắng nghe, gia tăng lợi ích quốc gia và tăng khả năng phối hợp hành động.
Trước thềm hội nghị năm nay, Đại sứ lưu động tại châu Á và khối BRICS của Nam Phi, Anil Sooklal, cho biết hơn 40 nước bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS.
Trong số đó, 22 nước đã chính thức yêu cầu tham gia và một con số tương đương các các nước khác cũng thể hiện sự chú ý một cách không chính thức, bao gồm cả các quốc gia lớn ở Nam Bán cầu.
Việc kết nạp thêm thành viên sẽ là trọng tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh của BRICS vào tháng Chín.
Khó khăn vẫn còn phía trước
Nhưng, các thành viên sáng lập của BRICS hiện vẫn chưa tìm được sự thống nhất đối với ý tưởng mở rộng khối. Trong khi, Trung Quốc và Nga công khai ủng hộ, thì Brazil và Ấn Độ lại tỏ ra khá dè dặt.
Nam Phi, thành viên nền kinh tế nhỏ nhất trong BRICS, áp dụng lập trường cân bằng giữa Trung Quốc-Nga và Ấn Độ-Brazil, không đưa ra quan điểm rõ ràng về vấn đề này.
Một số nhà kinh tế đánh giá, ngay cả trong trường hợp năm nước sáng lập nhất trí về việc kết nạp thành viên mới, thì BRICS+ vẫn còn nhiều thách thức.
Khó khăn gần nhất mà BRICS+ sẽ phải đối mặt là các thành viên của khối có thể chế chính trị và hệ thống kinh tế khác nhau.
Do đó, mỗi nước sẽ có một mối quan tâm riêng và tính toán riêng, nên việc tìm tiếng nói chung sẽ trở nên khó hơn.
Giám đốc Viện Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Dmitry Razumovsky, nhận định BRICS đã không còn là câu lạc bộ của các nhà lãnh đạo tăng trưởng. Điều này đòi hỏi BRICS cần lựa chọn kỹ các nước ứng viên, để sự tham gia của họ vào khối đem lại hiệu quả cho tiến trình giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay của thế giới đang phát triển, giúp các nước này trở nên nổi bật hơn.
Về vấn đề này, tầm quan trọng đặc biệt đối với BRICS+ là mức độ mà các thành viên của khối có thể xây dựng một chương trình hành động hiệu quả, trong bối cảnh khủng hoảng của các thể chế toàn cầu.
Ngoài ra, BRICS rất có tham vọng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, nhưng đây không phải là mục tiêu có thể thực hiện trong thời gian ngắn hạn.
Theo dữ liệu gần đây nhất từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, khoảng 88% giao dịch ngoại hối toàn cầu vẫn sử dụng đồng USD làm phương tiện thanh toán. Do đó, nhiệm vụ hiện thực hóa mục tiêu phi USD hóa của BRICS+ là một quá trình dài đòi hỏi nhiều nỗ lực./.