Liên minh Nghị viện các nước Hồi giáo họp bất thường về vấn đề Palestine

Tuyên bố chung sau cuộc họp của Liên minh Nghị viện OIC nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt xung đột ở Gaza và tái khẳng định sự ủng hộ toàn diện đối với người dân Palestine.

Chiếc xe bị phá hủy trong vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 7/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Iran đã tổ chức một cuộc họp nghị viện cấp cao của các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Tehran, để thảo luận về vấn đề Palestine.

Hãng thông tấn ISNA ngày 10/1 đưa tin đây là cuộc họp bất thường lần thứ 5 của Liên minh Nghị viện OIC (PUIC).

Với chủ đề “Hợp tác của các Nghị viện vì Palestine,” cuộc họp có sự tham dự của các diễn giả và thành viên quốc hội của một số quốc gia Hồi giáo và châu Á. PUIC được thành lập tại Iran vào năm 1999, có trụ sở chính đặt tại Tehran.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf khẳng định người Palestine có quyền tự vệ và phải được khôi phục các quyền của mình.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nhân dân Algeria Ibrahim Boughali kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột ở Gaza, cho rằng chiến dịch quân sự của Israel vi phạm các thỏa thuận quốc tế.

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Syria Hammoudeh Sabbagh khẳng định “đứng về phía người dân Palestine và sẽ bảo vệ họ.”

Cuộc họp còn có sự tham dự của các thành viên quốc hội Iraq, Indonesia, Bahrain, Mauritania, Qatar, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tajikistan, Pakistan, Mali, Cộng hòa Chad, Malaysia, Oman, Kuwait, Senegal, Cote d'Ivoire, Liban và Burkina Faso.

Tuyên bố chung sau cuộc họp nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt xung đột ở Gaza và tái khẳng định sự ủng hộ toàn diện đối với người dân Palestine.

Xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát từ ngày 7/10/2023 đến nay đã khiến hơn 23.000 người tại Dải Gaza thiệt mạng, trong khi tình hình nhân đạo trên dải đất này ngày càng bi đát.

Ngoài ra, các bên liên quan cũng lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng ra khu vực. Tình hình bất ổn trên tuyến vận chuyển hàng hải qua Biển Đỏ do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi hay căng thẳng ở biên giới Israel và Liban do các cuộc tấn công của lực lượng Hezbollah tại nước này là những cơ sở thực tế cho những lo ngại nêu trên.

Cũng trong ngày 10/1, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thông báo nước này cam kết viện trợ 16 triệu USD để tăng cường năng lực cho quân đội Liban trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở biên giới Liban-Israel.

Ngoại trưởng Baerbock thông báo về khoản viện trợ quân sự này khi đến thăm Liban, theo đó sẽ giúp Liban tăng cường năng lực cho quân đội để bảo vệ tốt hơn biên giới phía Nam với Israel.

Theo bà Baerbock, quân đội Liban cần có khả năng “kiểm soát hiệu quả” khu vực biên giới để kiềm chế lực lượng dân quân vũ trang và các tổ chức khủng bố./.