Liên minh châu Âu sẵn sàng dừng hoàn toàn trung chuyển khí đốt từ Nga
Các nước Trung Âu và Đông Nam Âu đã đa dạng hóa các nguồn cung thay thế; trong khi các cảng nhập khẩu LNG đều có đủ năng lực lưu trữ và phân phối cho các thành viên EU.
Ủy viên năng lượng Liên minh châu Âu (EU), bà Kadri Simson cho biết liên minh này đã sẵn sàng dừng hoàn toàn việc trung chuyển khí đốt của Nga vào khối thông qua Ukraine.
Thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh Thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga-Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.
Phát biểu họp báo sau hội nghị Bộ trưởng năng lượng EU ngày 15/10, bà Simson giải thích các nước Trung Âu và Đông Nam Âu đã đa dạng hóa các nguồn cung thay thế.
Trong khi đó, các cảng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), cả cảng mới và đang vận hành, đều có đủ năng lực lưu trữ và phân phối cho các thành viên EU.
Ngoài ra, các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU đã được lấp đầy 95%, qua đó giúp bình ổn giá năng lượng cho các nước thành viên trong mùa Đông sắp tới với nhu cầu sưởi ấm cao.
Kể từ năm 2022, EU đã cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga qua Ukraine. Mặc dù vậy, bà Simson cũng thừa nhận lượng nhập khẩu khí đốt Nga vào EU từ đầu năm 2023 đến nay vẫn tăng đáng kể, bất chấp gói trừng phạt thứ 14 của khối nhắm vào Nga hồi tháng 6 vừa qua, bao gồm cấm các dịch vụ nạp lại LNG của Nga trên lãnh thổ EU.
Số liệu cho thấy, năm ngoái, khoảng 14 tỷ m3 khí đốt của Nga đã được trung chuyển vào châu Âu qua Ukraine.
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga được ký vào năm 2019 và sẽ hết hạn vào tháng 12 năm nay.
Nga cũng đã cắt giảm phần lớn lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống tới châu Âu vào năm 2022. Tuy nhiên, các quốc gia như Áo, Hungary và Slovakia vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu của Nga.
Cũng trong buổi họp báo, Ủy viên năng lượng của EU đã cảnh báo những hậu quả đối với một số quốc gia EU vẫn đang nhập khẩu khí đốt Nga với số lượng lớn.
Ukraine đã nhiều lần tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận nói trên. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho Trung và Tây Âu, tuy nhiên nguồn cung sau năm 2024 phụ thuộc vào Ukraine và EU./.