Liên minh cầm quyền ở Đức nhất trí cải cách luật bầu cử Quốc hội

Trong tương lai, chỉ lá phiếu thứ hai mới có tính quyết định đối với việc phân bổ số ghế trong Quốc hội Đức, trong khi phiếu bầu đầu tiên được gọi là "phiếu bầu của khu vực bầu cử."

Một phiên họp tại Quốc hội Đức. (Nguồn: dpa)

Liên minh ba đảng cầm quyền ở Đức, gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã nhất trí cải cách luật bầu cử Quốc hội nước này, theo đó số nghị sỹ thường trực ở Đức sẽ giảm xuống cố định 630 nghị sỹ, thay vì mức 736 nghị sỹ như hiện nay.

Liên minh cầm quyền hồi cuối tháng 1/2023 đã trình lên Quốc hội bản dự thảo đầu tiên về cải cách luật bầu cử, trong đó đề xuất rút số ghế nghị sỹ xuống còn 598, song trong quá trình thảo luận cuối cùng đã nâng thêm số nghị sỹ lên tổng cộng 630 người phòng trường hợp các khu vực bầu cử riêng lẻ không có nghị sỹ nào được bầu trực tiếp vào Quốc hội theo lá phiếu đầu tiên.

Ngoài điều chỉnh quy mô số nghị sỹ, liên minh cầm quyền cũng đề xuất loại bỏ "điều khoản ủy nhiệm cơ bản," mà trước đây một đảng nhận được dưới 5% số phiếu bầu (trong lá phiếu bầu thứ hai) vẫn có thể có ghế ở Quốc hội nếu có ít nhất 3 nghị sỹ được bầu trực tiếp ở khu vực bầu cử (trong lá phiếu thứ nhất).

Vấn đề cải cách luật bầu cử đã được đưa ra thảo luận trong nhiều năm qua ở Đức do số thành viên Quốc hội trong những cuộc bầu cử gần đây tăng mạnh.

[Đức sửa đổi Hiến pháp, lập quỹ trị giá 100 tỷ euro cho quân đội]

Năm 2021, số ghế nghị sỹ đã lên tới con số 736. Lý do khiến số nghị sỹ tăng lên là hệ thống bầu cử ở Đức khá phức tạp và cử tri phải bầu chọn vào hai lá phiếu, gồm lá phiếu thứ nhất chọn trực tiếp ứng cử viên theo danh sách đảng trong khu vực bầu cử (299) và lá phiếu thứ hai là bầu chọn cho một đảng vào Quốc hội, làm căn cứ để tính tỷ lệ số ghế mà một đảng giành được trong Quốc hội.

Theo luật cũ, trong trường hợp một đảng giành được ít ghế hơn trong lá phiếu thứ hai so với số ghế mà đảng đó giành được tại các khu vực bầu cử thông qua lá phiếu thứ nhất, đảng đó được thêm phần ghế "dôi ra," trong khi các đảng còn lại cũng được nhận số ghế bù tương tự.

Tuy nhiên, với cải cách mới, phần ghế dôi ra và phần ghế bù đều không còn được áp dụng. Số nghị sỹ theo luật định tới đây sẽ là 630 người.

Theo cách tính này, số khu vực bầu cử vẫn là 299, nhưng sẽ có 331 nghị sỹ được bầu thông qua danh sách bang thay vì 299 người như kế hoạch ban đầu.

Cách tính này để giảm xuống mức thấp nhất số nghị sỹ tuy giành chiến thắng ở khu vực bầu cử trong lá phiếu thứ nhất nhưng vẫn không vào được Quốc hội, song cũng đồng nghĩa với việc không có gì đảm bảo người chiến thắng trực tiếp ở khu vực bầu cử vẫn được bảo đảm có ghế ở Quốc hội (nếu kết quả ở lá phiếu thứ hai thấp hơn).

Theo dự thảo luật, trong tương lai, chỉ lá phiếu thứ hai mới có tính quyết định đối với việc phân bổ số ghế trong Quốc hội, được gọi là "phiếu bầu chính," trong khi phiếu bầu đầu tiên được gọi là "phiếu bầu của khu vực bầu cử."

Kế hoạch trên, được cho là sẽ gây bất lợi cho những đảng nhỏ như đảng Cánh tả, đã vấp phải sự phản đối của liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU), đặc biệt là đảng CSU vốn được hưởng lợi từ số ghế dôi ra (CSU - chỉ hiện diện ở bang Bayern, đang có ghế trong Quốc hội do có 11 người chiến thắng trực tiếp ở khu vực bầu cử, nhiều hơn mức mà đảng này có được dựa trên kết quả lá phiếu thứ hai).

Tuy nhiên, việc thu hẹp quy mô Quốc hội sẽ giúp tiết kiệm các khoản trợ cấp, chi cho nhân viên, văn phòng và đi lại của các nghị sỹ.

Ngân sách năm 2023 của Đức ước tính dành khoảng 1,14 tỷ euro cho Quốc hội, năm 2018 là 974 triệu euro và năm 2016 là 857 triệu euro. Dự kiến, Quốc hội Đức sẽ quyết định vấn đề trên vào ngày 17/3 tới./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)