Liên hợp quốc lo ngại bùng phát làn sóng bạo lực mới tại Libya

Đại diện Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại rằng sự trả đũa từ cả hai phía và các vụ bắt giữ được công bố sẽ tiếp tục gây ra các cuộc đụng độ vũ trang mới.

Ôtô bị đốt cháy trong các vụ đụng độ tại Tripoli, Libya, ngày 27/8. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Ngày 30/8, Phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Liên hợp quốc Rosemary DiCarlo đã bày tỏ quan ngại trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về làn sóng bạo lực mới có thể xảy ra ở Libya, nơi mà các bên liên quan chưa thể đạt được sự đồng thuận để hướng tới một khuôn khổ hiến pháp cho các cuộc bầu cử.

Sự bế tắc này đang tạo ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh ở thủ đô Tripoli và khu vực xung quanh.

Tuần trước, tiếng súng và pháo kích dữ dội đã vang lên không ngớt tại một số khu vực lân cận của thủ đô. Hai bên đối địch ở Libya đã đổ lỗi cho nhau về vụ giao tranh khiến 32 người thiệt mạng.

Hiện tại, tình hình vẫn căng thẳng và một sự bình yên mong manh đang ngự trị ở Tripoli.

Đại diện Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại rằng sự trả đũa từ cả hai phía và các vụ bắt giữ được công bố sẽ tiếp tục gây ra các cuộc đụng độ vũ trang mới.

Trong bối cảnh đó, một số thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi nhanh chóng bổ nhiệm một người đứng đầu phái bộ mới của Liên hợp quốc tại Libya.

[AU kêu gọi các bên tham chiến tại Libya chấm dứt hành động thù địch]

Kể từ khi đặc phái viên của Liên hợp quốc Jan Kubis từ chức đột ngột vào tháng 11 năm ngoái, vị trí này cho đến nay vẫn còn đang để trống.

Căng thẳng chính trị gia tăng ở Libya kể từ khi Quốc hội có trụ sở ở thành phố Tobruk miền Đông nước này hồi tháng 2 vừa qua chỉ định ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng mới thay thế Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) Abdul Hamid Dbeibah.

Tuy nhiên, ông Dbeibah từ chối chuyển giao quyền lực cho bất kỳ chính phủ nào, ngoại trừ một chính phủ dân cử.

Ngày 25/8, ông Dbeibah kêu gọi Chủ tịch Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya (HCS) Khalid Al-Mishri và Chủ tịch Quốc hội Libya thông qua cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử quốc gia.

Tranh cãi về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội là một trong những thách thức chính khiến các cuộc bầu cử quốc gia đã được lên kế hoạch vào tháng 12/2021 của Libya bị trì hoãn.

Thất bại của kế hoạch tổ chức bầu cử là đòn giáng mạnh vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt một thập kỷ hỗn loạn ở Libya./.Trung Khánh

Trung Khánh (TTXVN/Vietnam+)