Liên hoan Thiết kế và Sáng tạo 2023: Hướng đi để 'sống chung' với AI
Ở lần tổ chức thứ 5, Liên hoan Thiết kế và Sáng tạo sẽ góp phần đưa ra lối tiếp cận phù hợp trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo - một vấn đề thời sự được người làm sáng tác nghệ thuật đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, sự phát triển vũ bão của công nghệ mang đã và đang mang đến một nỗi sợ mới, đó là con người sẽ bị máy móc thay thế. Ngay cả người làm công việc sáng tạo, cần nhiều cảm xúc cũng bị đe dọa mất việc.
Trong bối cảnh đó, Liên hoan Thiết kế và Sáng tạo (VFCD) năm nay chọn chủ đề “Trí tuệ và Công nghệ” nhằm góp phần củng cố vai trò, giá trị của người sáng tác nghệ thuật tại Việt Nam. VFCD là hoạt động do Đại học RMIT phối hợp Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS), UNESCO và một số đơn vị khác đồng tổ chức.
Chương trình năm nay đánh dấu nửa thập kỷ đi vào hoạt động của VFCD, sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 13-19/11 và tại Hà Nội từ ngày 1-7/12.
Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu chương trình ngày 27/10 tại hai “đầu cầu,” Giáo sư Julia Gaimster - trưởng ban tổ chức cho biết VFCD 2023 sẽ khám phá sự tương tác, tác động qua lại trong các ngành công nghiệp sáng tạo cũng như tiềm năng đến từ sự kết hợp giữa tư duy con người, trí tuệ nhân tạo và các thành tựu công nghệ khác.
“Chương trình sẽ chú trọng nêu bật sức mạnh sáng tạo của Việt Nam và ghi nhận tác động tích cực của trí tuệ con người trong kỷ nguyên công nghệ mới,” bà Gaimster khẳng định.
[Nỗi lo 'vỡ bong bóng' đằng sau cơn sốt trí tuệ nhân tạo]
Sẽ có một cuộc trưng bày (trực tiếp) về các ứng dụng trí tuệ nhân tạo do chính nghệ sỹ khai thác và sử dụng để phục vụ cho mình nhằm khám phá tiềm năng sáng tạo của công nghệ và các công cụ liên quan đồng thời xem xét những thách thức và cơ hội mà công nghệ mang lại cho các ngành công nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, VFCD năm 2023 sẽ bao gồm chuỗi sự kiện có chiều sâu như các cuộc đối thoại, triển lãm, tọa đàm, trình diễn về tiềm năng game điện tử Việt, lắp ghép công nghệ vào tư duy sáng tạo, khi nghệ sỹ làm việc với kỹ sư công nghệ… Phần lớn các sự kiện đều vào cửa miễn phí.
Qua đó, ban tổ chức hướng đến đối phó những rủi ro và bất ổn từ công nghệ và các công cụ liên quan đem đến cho xã hội-văn hóa; tìm cách cân bằng giữa con người và máy móc, trí tuệ và vật chất, nghệ thuật và khoa học.
Từ góc độ người làm thiết kế, đội ngũ Behalf Studio (phụ trách bộ nhận diện thương hiệu của VFCD 2023) khẳng định AI có thể tạo ra cá tính giống như con người, nhưng cá tính này cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng, sáng tạo của người dùng nó tạo ra.
“Chính vì vậy, sự sáng tạo của con người là không thể thay thế,” đại diện Behalf Studio nhấn mạnh. Theo những chia sẻ ban đầu, Behalf Studio sẽ mang đến một sản phẩm truyền thông đặc biệt, cho phép bất cứ ai tham gia VFCD gia tăng tương tác với chương trình.
[Dự án kỳ lạ thử nghiệm ý tưởng cách mạng hóa ngành giải trí bằng AI]
Giới chuyên môn đánh giá Việt Nam đang sở hữu được nguồn tài năng trẻ dồi dào với hơn 22 triệu dân trong độ tuổi từ 16 đến 30, đều có trình độ học vấn và thông thạo kỹ thuật.
Ông Michael Croft, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, khẳng định: “Lực lượng này cung cấp cho đất nước tiềm năng to lớn cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, vì những người trẻ chính là lực lượng nòng cốt của ngành sáng tạo với thiên hướng tự nhiên trong cả đổi mới và sáng tạo, chấp nhận rủi ro có tính toán, và đặc biệt thể hiện những điều này là thông qua hoạt động khởi nghiệp.”
Trải qua 4 mùa, Liên hoan Thiết kế và Sáng tạo đã thu hút hàng chục ngàn người tham gia trên khắp cả nước và quốc tế. Tiến sỹ Nguyễn Thu Phương - Viện trưởng VICAS nhận định qua 4 mùa giải, mạng lưới sáng tạo đã được hình thành và đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, qua đó đưa yếu tố sáng tạo vào tiến trình phát triển đời sống văn hóa, xã hội, thúc đẩy sự hợp tác công, tư với các cá nhân./.