Liên hoan phim ngắn HN: Phim về hòa bình trong mắt cựu phi công giành giải Nhất
Tác phẩm có tên "Hóa giải," được thực hiện giữa đại dịch COVID-19, tôn vinh hòa bình quý giá qua những cuộc gặp của các cựu phi công Việt Nam-Hoa Kỳ 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc.
Tối 28/8, Liên hoan Phim ngắn Hà Nội đã bế mạc tại Rạp Kim Đồng (quận Hoàn Kiếm). Tác phẩm đoạt giải Nhất là “Hóa giải” của Điện ảnh Quân đội Nhân dân, đạo diễn Vũ Anh Nhất.
Phim có độ dài 28 phút, kể về nỗ lực hàn gắn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sau gần 3 thập kỷ, thông qua cuộc gặp giữa các cựu phi công Mỹ và Việt Nam. Tác phẩm gửi gắm thông điệp hãy gác lại quá khứ, xếp lại nỗi đau bằng sự bao dung vô tận, người Việt khiêm nhường và sâu lắng, luôn trân trọng một điều: Hơn cả chiến thắng là hòa bình.
Đại diện êkíp nhận giải, đạo diễn Đại tá Vũ Anh Nhất chia sẻ cảm xúc bất ngờ và vinh dự. Anh cho biết “Hóa giải” được thực hiện trong 6 tháng của năm 2021, giữa thời kỳ COVID-19. Mỗi cuộc phỏng vấn phải được thực hiện riêng lẻ với từng nhân vật đồng thời phải đảm bảo điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt. Với nhiều nhân vật, đoàn phim phải nhờ đồng nghiệp các địa phương quay giúp và gửi về. Ngoài ra phim còn sử dụng nhiều tư liệu lịch sử quý giá khác.
“Trong các tư liệu làm nên bộ phim, đã có nhiều nhà làm phim đã hy sinh trên chiến trường. Cùng với tất cả sự hỗ trợ có được, chúng tôi không nhận tác phẩm này là của mình, mà của rất nhiều người, nhiều thế hệ, mà chúng tôi chỉ đại diện để gợi lên chủ đề,” Đại tá Vũ Anh Nhất bày tỏ sự cảm kích.
Ngoài ra còn có 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích được trao cho 3 thể loại phim truyện ngắn, phim hoạt hình ngắn và phim tài liệu ngắn. Tác phẩm đoạt giải Nhì gồm phim tài liệu “Ngày mai có nắng” của đạo diễn Đỗ Thị Huyền Trang và phim hoạt hình “Nữ tướng Mê Linh” của đạo diễn Phùng Văn Hà.
Liên hoan Phim ngắn Hà Nội lần thứ nhất đã thu hút 32 tác phẩm từ các đơn vị như Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Điện ảnh Quân đội Nhân dân, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam và một đơn vị tư nhân.
Tổng kết về chương trình, biên kịch Bành Mai Phương (Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội, Trưởng ban tổ chức liên hoan phim) nói số lượng tác phẩm gửi về còn khiêm tốn, nhưng đã cho thấy rõ tinh thần vì Hà Nội nghìn năm văn hiến, đặc biệt khi mùa đầu tiên ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.
Sự ra đời của Liên hoan Phim ngắn Hà Nội, theo các nhà quan sát điện ảnh trong nước, cũng đã đóng góp vào dòng chảy chung trên cả nước khi nối tiếp hai Liên hoan phim Quốc tế tại Đà Nẵng (DANAFF) và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, Liên hoan Phim ngắn được kỳ vọng trở thành điểm hẹn văn hóa cho người yêu điện ảnh Thủ đô, góp phần gìn giữ và phát triển các giá trị của vùng đất giàu bản sắc, lịch sử.
Liên hoan Phim ngắn Hà Nội (Giải Sao Khuê) lần 1 do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức. Các phim dự thi phải được sản xuất từ 2021 đến nay, phải có giấy phép phân loại và phổ biến của hội đồng duyệt (Cục Điện ảnh)./.