Liên hoan phim AI: Sân chơi tiềm năng đón đầu cuộc cách mạng công nghệ
AI đã hiện diện ở mọi mặt của đời sống xã hội, và đương nhiên lĩnh vực điện ảnh không thể đứng ngoài. K-AIFF là liên hoan phim AI quốc tế thứ hai tại Hàn Quốc sau LHP AI Busan.
Phim AI là phim được làm một phần hoặc toàn bộ bằng ứng dụng AI tạo sinh (generative AI). Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo đã và đang kéo theo những cuộc thi về sáng tác, một trong số đó là liên hoan phim.
Do hạn chế hiện nay mà các tác phẩm điện ảnh từ AI thường chỉ là phim ngắn (có câu chuyện, nhân vật xuyên suốt, diễn biến…) hoặc chỉ là một video ngắn thể hiện các ý tưởng, quan điểm. Tuy nhiên với sự đầu tư kếch xù của các doanh nghiệp vào AI, cùng với sự ra đời của các sân chơi, công nghệ này hứa hẹn nhiều bước nhảy vọt đầy thuyết phục.
Máy tạo phim, người tạo thông điệp
Năm 2023 phim “To Dear Me” (tạm dịch: Gửi tôi thương mến) của Giselle Tong là phim đầu tiên giành chiến thắng tại một liên hoan phim chuyên về AI - Reply AI Film Festival. Sự kiện diễn cùng thành phố, cùng thời điểm với Liên hoan Phim Quốc tế Venice danh tiếng lần thứ 81.
Bộ phim hoạt hình dài hơn 6 phút, không có thoại, phần hình ảnh do các ứng dụng AI khác nhau thực hiện. AFP đưa tin: “Phim kể câu chuyện của một cô gái trẻ bị tan nát vì ký ức về cuộc ly hôn của cha mẹ và sự cô đơn của mẹ cô, khiến cô khổ sở trong tình yêu, bị lạc lối và mất niềm tin vào cuộc sống, cho đến khi cô tìm lại chính mình để chữa lành và bước tiếp.” Ngoài, ra phim còn thắng giải tại Liên hoan Phim Bắc Kinh năm 2024.
Cũng tại Reply AI Film Fest 2023, giải nhì được trao cho phim ngắn cũng là hoạt hình, về một chàng trai đang gặp bế tắc và muốn tự tử; phim đoạt giải ba thuộc thể loại tài liệu, tái hiện hồi ức về Thế chiến thứ hai của một cựu binh.
Ba phim được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất chủ đề “Synthetic stories, human hearts,” với ý nghĩa: Câu chuyện tổng hợp, nhưng gửi gắm trái tim con người.
Từ 2023 đến nay, nhiều nước như Mỹ, Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc dần gia nhập “cuộc chơi” liên hoan phim AI. Các công ty dẫn đầu về về công nghệ này cũng có mặt, nổi bật có Công ty Runway (sáng lập AI Runway).
Liên hoan Phim AI Quốc tế của Runway cũng đã tổ chức mùa 1 trong năm 2023. Tác phẩm đoạt giải cao nhất có tên “Generation” (Riccardo Fusetti), không phải phim mà là một video, kết hợp giữa điệu nhảy của vũ công người thật với các hiệu ứng máy tính (tạo bởi AI), bày tỏ chiêm nghiệm và suy tư về sự tiếp nối của loài người qua các thế hệ.
Điểm chung của các liên hoan này là đặt thông điệp nhân văn lên hàng đầu. Một tân binh từ châu Á - Liên hoan Phim AI Quốc tế Hàn Quốc (K-AIFF) - cũng lấy đây làm một trong những tiêu chí chấm giải quan trọng nhất.
Đại diện K-AIFF cho biết cuộc thi chú trọng vào tính nguyên bản của câu chuyện và các câu chuyện xoay quanh bản chất con người, hơn là chỉ tập trung vào phần hình ảnh do máy móc tạo ra.
“Chúng ta đều hiểu việc tạo ra video AI còn giới hạn, chưa thể được như con người vì đây là chặng đường rất dài. Chúng tôi quyết định chỉ tổ chức liên hoan cho phim ngắn (1,5-10 phút) mà chủ đề, nội dung vẫn sâu sắc, có sức truyền tải, cho phép mọi người tham gia làm phim.”
Làm gì với deepfake, vấn đề bản quyền?
Không thể phủ nhận những lợi ích từ AI trong việc hỗ trợ con người. Ngày nay, AI đã và đang giúp tiết kiệm thời gian, vật lực trong cả 3 giai đoạn tiền kỳ, sản xuất và hậu kỳ. Cụ thể, nó có thể giúp từ việc xây dựng cấu trúc kịch, cấu thành những lời thoại “theo trend” đến hỗ trợ tạo lập bối cảnh giả, hỗ trợ dựng phim, cắt phim, rồi cả phân tích thị trường, xây dựng kế hoạch truyền thông, marketing…
Việc ứng dụng AI tạo sinh để làm video cũng mở ra cơ hội làm phim cho người sáng tạo nghiệp dư mà không đòi hỏi phải có một êkíp. Cũng vì vậy mà hiện nay có rất nhiều vướng mắc liên quan đến việc ứng dụng AI và tác động đối với thị trường lao động, quyền khai thác và các vấn đề về đạo đức khác.
Báo cáo của Công ty công nghệ Sensity năm 2019 cho biết có đến 95% các video deepfake trên internet là nội dung khiêu dâm trái phép, 90% trong số này nạn nhân là phụ nữ. Miles Fisher - một TikToker nổi tiếng vì dùng deepfake biến mình thành Tom Cruise cũng thừa nhận khả năng ghê gớm của AI: “Cả thế giới tin đó là thật. Việc này trở lên đáng sợ càng lúc càng nhanh.”
Vấn đề bản quyền cũng gây lo ngại khi có nhiều nền tảng AI được “học” từ các kho nội dung bản quyền. Tại Mỹ, trang Harvard Business Review chỉ ra rủi ro khi đơn vị vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm cố ý, đồng thời có thể bị phạt đến 150.000 USD.
“Ngoài ra việc này còn tiềm tàng nguy cơ vô tình chia sẻ bí mật thương mại hoặc thông tin kinh doanh bí mật bằng cách nhập dữ liệu vào các công cụ AI tạo ra,” nhóm tác giả bài viết “AI tạo sinh có một vấn đề trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ” (đăng ngày 7/4/2023).
Cách để các liên hoan phim giảm nhẹ hoặc ngăn chặn những nguy cơ này là đảm bảo cam kết với người tham gia. Ví dụ với K-AIFF và “người hàng xóm” Liên hoan Phim AI Busan đều yêu cầu thí sinh ký quan kết sở hữu các phim dự thi, đồng thời chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan, được phê duyệt cấp phép trước khi gửi phim.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khiếu kiện với phim đã nộp, liên hoan phim sẽ rút tác phẩm khỏi chương trình, theo quy định của Liên hoan Phim AI ARTIST tại Trung Quốc…
Trong khi các hoạt động khuyến khích bên lề tiếp tục mọc lên như nấm đề đón đầu cuộc cách mạng, các ông lớn như Google, Microsoft, Meta, các vốn đầu tư mạo hiểm và ngay cả các chính phủ cũng đang đổ tiền vào AI. Vì vậy công nghệ này cần được “khắc chế” dưới các quy định pháp luật chặt chẽ, đảm bảo cho việc ứng dụng chính đáng, đồng thời bảo vệ nghệ sỹ và hàng trăm triệu nhân công thuộc các ngành công nghiệp sáng tạo, nghệ thuật.
Xem đầy đủ cuộc phỏng vấn với Ban tổ chức K-AIFF tại đây.