Lịch sử tỉnh Sóc Trăng - cửa ngõ giao thương của các tỉnh miền Tây
Sóc Trăng thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang vị trí địa-chính trị và địa-kinh tế quan trọng khi là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh miền Tây và vùng biển Đông Nam Bộ.
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển nằm ở hạ lưu sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang vị trí địa-chính trị và địa-kinh tế quan trọng khi là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh miền Tây và vùng biển Đông Nam Bộ.
Nơi đây được biết đến với vẻ đẹp yên bình của miền sông nước, những cánh đồng lúa bát ngát và bản sắc văn hóa đa dạng, nơi hội tụ của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer với truyền thống lịch sử lâu đời và những đóng góp lớn lao trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Sóc Trăng là thành phố Sóc Trăng.
Vị trí địa lý
Sóc Trăng là tỉnh đồng bằng nằm ở hạ lưu sông Hậu, thuộc tọa độ địa lý từ 9012'-9056' vĩ Bắc và 105033'-106023' kinh Đông.
Tỉnh Sóc Trăng cách thành phố Hồ Chí Minh 231km, cách Cần Thơ 62km; nằm trên tuyến Quốc lộ 1A nối liền các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Quốc lộ 60 nối Sóc Trăng với các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang.
Tỉnh có diện tích 3.298,20km2, dân số khoảng hơn 1,2 trệu người người tính đến ngày 1/4/2024 theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, đứng thứ 37 về dân số trong cả nước.
Sóc Trăng giữ vai trò chiến lược trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống sông ngòi dày đặc, đất đai phù sa trù phú và tiềm năng phát triển nông nghiệp, thủy sản.
Nằm ở vị trí cửa ngõ ra Biển Đông, Sóc Trăng là điểm kết nối quan trọng giữa đất liền và các tuyến hàng hải quốc tế, đồng thời là trung tâm giao thương phía nam Tây Nam Bộ.
Tỉnh Sóc Trăng được chia thành 11 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố (Sóc Trăng), 2 thị xã (Ngã Năm và Vĩnh Châu) và 8 huyện (Châu Thành, Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Trần Đề); với tổng cộng 109 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 12 phường, 17 thị trấn và 80 xã.
Lịch sử tỉnh Sóc Trăng
Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra.
Srok tức là "xứ," "cõi," Kh'leang là "kho," "vựa," "chỗ chứa bạc." Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó đọc thành Sóc Trăng.
Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng đuợc đổi tên thành Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi được đổi thành Nguyệt Giang).
Địa lý hành chính của Sóc Trăng nhiều lần thay đổi theo sự biến thiên của lịch sử.
Vào năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đàng trong (Nam bộ) và tiến hành xác lập địa giới hành chính vùng đất này, lập thành phủ Gia Định. Lấy đất Đồng Nai (Nông Nại) làm huyện Phước Long và đặt dinh Trấn Biên, lưu mộ dân từ Quảng Bình trở vào đến ở, chia đặt thôn, ấp.
Năm 1732, chúa Nguyễn lập dinh Long Hồ tại Cái Bè (lúc đó là Cái Bè Dinh), năm 1780 được đặt tại vùng chợ Vĩnh Long và đổi tên là Vĩnh Trấn Dinh, sau đó đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Lúc này Sóc Trăng thuộc vùng Ba Thắc (nằm trong trấn Vĩnh Thanh, phủ Gia Định).
Năm 1832, vua Minh Mạng chia Nam kỳ thành 6 tỉnh, 3 tỉnh miền Đông là: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường; 3 tỉnh miền Tây gồm: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Vùng đất Sóc Trăng thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1835 lại lấy đất Ba Thắc (tức vùng đất Sóc Trăng) nhập vào tỉnh An Giang, lập thêm phủ Ba Xuyên, gồm 3 huyện: Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Định. Đây là điểm mốc có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng về địa danh hành chính tỉnh Sóc Trăng sau này.
Năm 1867, thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây trong đó có Sóc Trăng, sau đó Pháp chia Nam kỳ lục tỉnh thành nhiều hạt.
Đến năm 1876, thực dân Pháp chia toàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính gồm: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Sắc (Bassac), mỗi khu vực hành chính lớn lại chia nhỏ thành nhiều tiểu khu, tiểu khu Sóc Trăng thuộc khu vực Bát Sắc.
Năm 1882, Pháp tách 2 tổng của tiểu khu Sóc Trăng và 3 tổng của tiểu khu Rạch Giá thành lập thêm tiểu khu Bạc Liêu.
Năm 1926 thực dân Pháp chia tỉnh Sóc Trăng thành 4 quận: Châu Thành, Kế Sách, Long Phú và Phú Lộc. Năm 1932, Thống đốc Nam kỳ quyết định giải tán một số quận trong các tỉnh Nam kỳ, nhưng đến năm 1941, Thống đốc Nam kỳ quyết định thành lập lại quận Phú Lộc.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, quận Phú Lộc được gọi là quận Thạnh Trị. Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Sóc Trăng có thêm quận Vĩnh Châu của tỉnh Bạc Liêu giao qua. Sau đó, nhập huyện Vĩnh Châu vào huyện Thạnh Trị lấy tên là Thạnh Trị. Cũng trong thời kỳ này, Sóc Trăng có thêm một số xã của tỉnh Rạch Giá và Cần Thơ giao qua.
Năm 1955, thực hiện sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy, tỉnh Sóc Trăng giao huyện Vĩnh Châu cho tỉnh Bạc Liêu.
Cuối năm 1957 tỉnh Sóc Trăng nhận thêm thị xã Bạc Liêu và các huyện: Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu và huyện Hồng Dân của tỉnh Rạch Giá. Cũng trong năm này, tỉnh Sóc Trăng sáp nhập 2 huyện Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu thành một huyện lấy tên là Vĩnh Lợi-Vĩnh Châu (năm 1962 lại tách 2 huyện ra như cũ).
Đầu năm 1958 huyện Kế Sách sáp nhập về tỉnh Cần Thơ. Như vậy, vào thời gian này tỉnh Sóc Trăng có 2 thị xã (thị xã Sóc Trăng, thị xã Bạc Liêu) và 7 huyện (Châu Thành, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai).
Tháng 11/1973, theo quyết định của Khu ủy Tây Nam bộ, Sóc Trăng giao các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu cho tỉnh Bạc Liêu (riêng huyện Giá Rai giao lại cho tỉnh Cà Mau từ năm 1961).
Nghị định số 31/NĐ, ngày 21/2/1976 của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quy định giải thể cấp khu, hợp nhất một số tỉnh. Tỉnh Sóc Trăng hợp nhất với tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang.
Trong kỳ hợp lần thứ 10 (khóa VIII) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 26/12/1991, quyết định tách tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ.
Tỉnh Sóc Trăng chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 4/1992 gồm các huyện: Mỹ Tú, Kế Sách, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu và thị xã Sóc Trăng.
Ngày 11/01/2002, Chính phủ ra Nghị định số 04/2002/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Phú và thành lập thêm huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Ngày 31/10/2003, Chính phủ ra Nghị định số 127/2003/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Thạnh Trị và thành lập thêm huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Ngày 08/2/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Ngày 24/9/2008, Chính phủ ra Nghị định số 02/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mỹ Tú và thành lập thêm huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Đến ngày 23/12/2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính hai huyện Mỹ Xuyên, Long Phú và thành lập thêm huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Đến nay, Sóc Trăng có 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện, trở thành một trong những tỉnh nổi bật về kinh tế, văn hóa và du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang; lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.
Những điểm chung về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh và thành phố, trải dài từ Long An đến Cà Mau, với diện tích tự nhiên khoảng 40.548 km2, chiếm 12,25% diện tích cả nước.
Vùng này nằm ở hạ lưu sông Mekong, phía bắc giáp Campuchia, phía đông và nam giáp biển Đông, phía tây giáp vịnh Thái Lan.
Sóc Trăng, với bờ biển dài 72km, là một trong những tỉnh có vai trò quan trọng trong giao thương đường biển và phát triển thủy sản.
Với đặc điểm đất phù sa ngọt màu mỡ và hệ thống sông ngòi dày đặc, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, đồng thời nổi tiếng với các loại cây ăn trái./.