Lịch sử tỉnh Ninh Bình - Kinh đô của ba vương triều Đinh, Lê, Lý
Ninh Bình có Cố đô Hoa Lư, từng là kinh đô của ba vương triều Đinh, Lê, Lý, chỉ duy nhất một lần sáp nhập với tỉnh Nam Hà vào năm 1975, đến năm 1992 tái lập tỉnh Ninh Bình cho đến ngày nay.
Tỉnh Ninh Bình nổi tiếng có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, từng là kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968-1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý và cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ.
Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc; tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ, được quy hoạch để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.
Vị trí địa lý
Tỉnh Ninh Bình nằm ở cực Nam của Đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội hơn 90km về phía Nam, diện tích tự nhiên gần 1.386,8km2, dân số tính đến ngày 1/4/2024 là 1.027.030 người.
Vị trí địa lý và giao thông của Ninh Bình rất thuận lợi, phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Nam Định; phía Tây Bắc giáp tỉnh Hòa Bình; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và Biển Đông (Vịnh Bắc Bộ) với đường bờ biển dài 18km (Ninh Bình là tỉnh có bờ biển ngắn nhất Việt Nam).

Ninh Bình cũng nằm ở vị trí ranh giới chiến lược giữa 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ, đồng thời nằm giữa 3 vùng kinh tế: vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung.
Vùng đất Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử
Qua các triều đại, đơn vị hành chính của tỉnh Ninh Bình đã nhiều lần thay đổi trước khi có tên gọi và địa giới.
Thời kỳ tiền sử và sơ khai
Theo các nghiên cứu khảo cổ, Ninh Bình là nơi có dấu vết cư trú của người Việt cổ từ hàng vạn năm trước. Hang động Đắng, Bái Sơn, Kênh Gà, Đồi Thúy , đặc biệt là Người Xưa (Tam Điệp) đã phát hiện nhiều di chỉ văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, bằng chứng minh tồn tại của con người từ thời tiền sử.
Thời kỳ dựng nước và Bắc thuộc
Thời Văn Lang-Âu Lạc: Ninh Bình thuộc bộ Vũ Ninh, một trong 15 bộ của nước Văn Lang dưới thời vua Hùng.
Thời Bắc thuộc: Ninh Bình lần thuộc các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và sau đó là Giao Châu do các triều đại phương Bắc cai trị.
Thời kỳ độc lập tự chủ (thế kỷ 10-14)
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh vực nhất 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và chọn Hoa Lư (Ninh Bình) làm kinh đô. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử khi Ninh Bình trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và quân sự của cả nước.
Mảnh đất này là nơi đã chứng kiến sự nghiệp dựng nước và giữ nước oai hùng của 12 năm triều Đinh (968-980), 29 năm triều Tiền Lê (980-1009) và đầu nhà Lý (1009-1010), với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô tại Thăng Long-Hà Nội.

Dưới triều Lý-Trần, sau khi chuyển đô về Thăng Long, Hoa Lư vẫn giữ vai trò quan trọng và được gọi là phủ Trường Yên .
Thời kỳ Hậu Lê-Nguyễn (thế kỷ 15-19)
Thời Lê sơ (thế kỷ 15): Ninh Bình thuộc trấn Thanh Hoa.
Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17): Trấn Thanh Hoa được phân tách thành Thanh Hóa ngoại trấn và Thanh Hoa nội trấn.
Thời Tây Sơn (cuối thế kỷ 18): Vùng đất Ninh Bình thuộc xứ Bắc Hà.
Thời Nguyễn: Năm Gia Long thứ 5 (1806) đổi Thanh Hoa ngoại trấn gọi là đạo Thanh Bình vẫn thuộc trấn Thanh Hoa. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi tên phủ Trường Yên làm phủ Yên Khánh. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi tên đạo Thanh Bình làm đạo Ninh Bình.
Địa danh Ninh Bình có từ đó, nhưng vẫn là một đạo thuộc trấn Thanh Hoa.
Đến năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) mới chính thức đổi làm trấn Ninh Bình, đặt các quan cai trị là Trấn thủ, Hiệp trấn Ninh Bình, đặt các quan cai trị là Trấn thủ, Hiệp trấn và Tham hiệp như các trấn khác năm trong Bắc Thành.
Cũng trong năm 1829 thành lập huyện Kim Sơn, do Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ khai khẩn đất hoang, đất bồi ven biển lập nên.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình và bỏ Tổng trấn Bắc thành theo chương trình cải cách hành chính của Minh Mệnh.
Tỉnh Ninh Bình dưới triều Nguyễn có 2 phủ gồm 7 huyện. Phủ Yên Khánh gồm 4 huyện Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn (khi ấy gồm cả 2 huyện Gia Viễn Hoa Lư ngày nay và Kim Sơn). Phủ Thiên Quan (đến đời Tự Đức 15, tức năm 1862 đổi là phủ Nho Quan), Yên Hòa (đời Lê gọi là Ninh Hóa, gồm một phần huyện Nho Quan và một phần huyện Gia Viễn ngày nay) và huyện Yên Lạc (trước là Lạc Thổ, sau là Lạc Yên, ngày nay là huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình).
Thời kỳ Pháp thuộc (1884-1945)
Năm 1891, người Pháp chia tỉnh Ninh Bình thành lập các đơn vị hành chính nhỏ hơn, trong đó có các huyện như Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, Kim Sơn, Tam Điệp , đồng thời xây dựng cơ sở hành chính, kinh tế phục vụ khai thác thác thuộc địa.

Giai đoạn này, Ninh Bình là một trong những trung tâm phong trào yêu nước với những cuộc khởi nghĩa như Phong trào Cần Vương, Phong trào Đông Du, Phong trào Việt Minh.
Thời kỳ độc lập (từ 1945 đến nay)
Năm 1953, huyện Tam Điệp được sáp nhập vào tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1975, sau khi đất nước nhất, tỉnh Ninh Bình được sáp nhập với tỉnh Nam Hà (Nam Định và Hà Nam cũ), tạo thành tỉnh Hà Nam Ninh.
Ngày 26/12/1991, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành tỉnh Nam Hà và tái lập tỉnh Ninh Bình.
Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động theo tỉnh mới được tái lập với địa giới hành chính gồm có thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và 6 huyện: Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn, Nho Quan.
Ngày 1/1/2025, thành phố Hoa Lư được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số của huyện Hoa Lư và toàn bộ diện tích, dân số của thành phố Ninh Bình.
Sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24km2, quy mô dân số là 238.209 người, đạt tiêu chí đô thị loại I, là đô thị trung tâm của tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh Ninh Bình hướng đến xây dựng thành phố Hoa Lư là thành phố toàn cầu mang đậm bản sắc Việt, quy hoạch phát triển thành phố Hoa Lư bảo đảm kết nối không gian và phát triển, xây dựng các thiết chế biểu tượng xứng tầm vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.
Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Ninh Bình
Khi tái lập vào năm 1992, Ninh Bình là một tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp; sản xuất công nghiệp chưa phát triển. Đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; đóng góp của ngành công nghiệp chiếm trên 50% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng.
Ninh Bình đã và đang nổi lên trở thành một trong 3 trung tâm lắp ráp ôtô lớn nhất cả nước, từng bước nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Ninh Bình còn được biết đến là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất cả nước với các di tích lịch sử quan trọng, quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, cùng nhiều điểm đến hấp dẫn như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long, hệ thống cảnh quan núi đá vôi-sông suối hùng vĩ, nên thơ...
Những yếu tố này đã thu hút lượng lớn du khách nội địa và nước ngoài đến với Ninh Bình, đưa tỉnh vào top 10 tỉnh có lượng khách du lịch cao nhất cả nước.
Ninh Bình đang tận dụng tối đa lợi thế về di sản, cảnh quan thiên nhiên để phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, trở thành một hình mẫu đô thị di sản của thế kỷ 21.

Điểm đặc biệt trong chiến lược phát triển của Ninh Bình là sự kết hợp giữa bảo tồn di sản và hiện đại hóa đô thị. Việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững và bảo tồn các công trình lịch sử đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này./.