Lịch sử tỉnh Bình Thuận: Những lần sát nhập và chia tách của thủ phủ thanh long
Là một tỉnh Duyên hải miền Trung, địa giới hành chính của Bình Thuận trải qua nhiều thay đổi ở các thời kỳ lịch sử đất nước, đến nay tỉnh đã trở thành vùng phát triển kinh tế-du lịch lớn của cả nước.
Bình Thuận là tỉnh Duyên hải miền Trung (Duyên hải Nam Trung Bộ), phía đông và phía nam giáp Biển Đông, phía tây giáp tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phía bắc giáp tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng. Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, trong năm 2024, dân số trung bình của tỉnh Bình Thuận là 1.266.223 người.
Bình Thuận nằm trên trục giao thông trọng yếu Bắc-Nam, có Quốc lộ 1, Quốc lộ 55, Quốc lộ 28...và các tuyến đường đến các trung tâm huyện, xã, vùng núi và các vùng kinh tế quan trọng khác.

Lịch sử hình thành và phát triển
Trước năm 1975
Lịch sử hình thành vùng đất Bình Thuận có bề dầy hàng trăm năm.
Năm 1823, Minh Mạng thứ 4 đổi trấn Bình Thuận thành phủ kiêm lý huyện An Phước và bỏ đạo Phan Rang, cũng là lúc đã chấm dứt chế độ thổ quan tự trị của vương triều Chiêm Thành, ổn định về địa giới hành chính cho đến sau này.
Năm 1831, Minh Mạng đặt ra hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận và hai huyện Tuy Phong và Tuy Định. Bình Thuận được đặt thành tỉnh và giao cho quan Tuần phủ Thuận Khánh kiêm nhiệm luôn tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1832, Năm Minh Mạng thứ 13, sau khi giảm bỏ cấp trấn Thuận Thành, đặt làm 2 phủ Ninh Thuận, phủ Hàm Thuận và 4 huyện An Phước, Tuy Phong, Hòa Đa, Tuy Định và phủ Bình Thuận chính thức trở thành tỉnh.
Địa giới tỉnh Bình Thuận từ Khánh Hòa đến sông Ma Bố (huyện An Phước) và từ sông Ma Bố đến sông Duồng (huyện Tuy Phong) thuộc phủ Ninh Thuận. Phần đất từ Duồng đến sông Phố Hài (huyện Hòa Đa) và từ sông Phố Hài đến biên giới Biên Hòa thuộc huyện Tuy Định (năm 1854 đổi tên Tuy Lý) thuộc phủ Hàm Thuận.
Năm 1883, Hòa ước ký với Pháp (ngày 25/8) sáp nhập Bình Thuận (khi đó bao gồm cả phủ Ninh Thuận) vào Nam Kỳ. Năm 1884: Hòa ước Patenôtre (ngày 6 tháng 6) lại đưa Bình Thuận về Trung Kỳ. Năm 1888, lúc E. Aymonier làm công sứ Bình Thuận (1886-1889), vua Đồng Khánh chuyển phủ Ninh Thuận vào Khánh Hòa.
Năm 1890 Toàn quyền Đông Dương xây dựng tuyến đường thuộc địa số 1 (tức quốc lộ 1A ngày nay) và mở mới đoạn đường từ Phan Thiết đến Biên Hòa thay cho con đường quan lộ ven biển. Từ đó nhiều đợt di cư quy mô vào vùng đất này càng ngày càng đông hơn.
Năm 1898, vua Thành Thái đặt huyện Tuy Lý và lấy huyện Tánh Linh trước thuộc Đồng Nai Thượng sáp nhập vào Bình Thuận, do công sứ M. Gaietta (1900-1902) quản lý. Năm 1905, Phủ Di Linh được nhập vào Bình Thuận, do công sứ L. Garnier (1904-1913) quản lý.
Theo sách Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn, tỉnh Bình Thuận năm 1905, có 2 phủ Hàm Thuận (4 huyện) và phủ Di Dinh/Di Linh (20 sách) đất thượng du, với số dân 171.500 người, trong đó người Việt chiếm 67% dân số.
Năm 1945, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất hành chính trên toàn quốc, bãi bỏ các cấp phủ và tổng. Phủ Hàm Thuận được đổi thành huyện Hàm Thuận.
Năm 1955-1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia Bình Thuận làm 8 Quận: Hàm Thuận, Phú Quý, Thiện Giáo, Hải Long, Hải Ninh, Hòa Đa, Tuy Phong và Phan Lý Chàm.

Sau năm 1975
Năm 1976, Bình Thuận sáp nhập với Bình Tuy và Ninh Thuận thành tỉnh Thuận Hải.
Ngày 15/12/1977, thành lập huyện đảo Phú Quý.
Ngày 30/12/1982, chia huyện Bắc Bình thành 2 huyện: Bắc Bình và Tuy Phong; chia huyện Hàm Thuận thành 2 huyện: Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam; chia huyện Đức Linh thành 2 huyện: Đức Linh và Tánh Linh.
Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 10 ngày 26/12/1991 tỉnh Bình Thuận được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh là tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận; tỉnh Bình Thuận có 09 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: thị xã Phan Thiết (tỉnh lỵ) và 08 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và Phú Quý; 109 đơn vị hành chính cấp xã.
Ngày 25/8/1999, chuyển thị xã Phan Thiết thành thành phố Phan Thiết.
Năm 2001, phường Phú Tài, phường Xuân An, phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết và xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc được thành lập.
Năm 2003, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, xã Sông Bình, huyện Bắc Bình và xã Đông Hà, xã Đức Tín, huyện Đức Linh được thành lập.
Ngày 5/9/2005, thành lập thị xã La Gi trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và dân số của huyện Hàm Tân.
Đầu năm 2020, thực hiện Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 820/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 để sáp nhập 06 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bình Thuận (thị trấn Phan Rí Cửa và xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, xã Đức Tân và xã Măng Tố, huyện Tánh Linh, xã Đức Chính và xã Nam Chính, huyện Đức Linh) thành 03 đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, xã Măng Tố, huyện Tánh Linh, xã Nam Chính, huyện Đức Linh) giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã từ 127 đơn vị còn 124 đơn vị, trong đó có 93 xã, 12 thị trấn và 19 phường.
Ngày 16/4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết đã ban hành Quyết định phê duyệt đề cương nhiệm vụ triển khai phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Phan Thiết.
Theo đó, Bình Thuận triển khai sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 17 đơn vị hành chính cấp xã, thuộc 5 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Hàm Tân) có liên quan. Trong 17 đơn vị hành chính cấp xã, có 9 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp, 1 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 7 đơn vị thuộc diện liền kề liên quan đến sắp xếp.
Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận; lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Thủ phủ thanh long Bình Thuận
Tỉnh Bình Thuận được biết đến là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước, sản lượng hàng năm trên 600.000 tấn, thu hút trên 30.000 lao động tham gia sản xuất.
Theo đó, tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, kể từ năm 2009 đến nay, chương trình Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, gọi tắt VietGAP đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân Bình Thuận, thúc đẩy nông dân ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay.
Thanh long là cây trồng chủ lực của tỉnh; giúp người dân xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như: dịch bệnh cây trồng, tình trạng hạn hán kéo dài, thị trường ngày càng khắt khe…Điều này khiến cả diện tích lẫn sản lượng thanh long Bình Thuận bắt đầu giảm dần.
Số liệu Cục thống kê cho thấy, tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh còn 26.550 ha thanh long với sản lượng 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 325.000 tấn. So với thời điểm cuối năm 2020, diện tích thanh long đã giảm hơn 7.000 ha.
Vì vậy, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu không chỉ nhằm tạo ra trái thanh long chất lượng, đảm bảo năng suất sản xuất mà còn góp phần nâng cao giá trị trái thanh long, đáp ứng nhu cầu thị trường, xuất khẩu thanh long vào các thị trường theo đường chính ngạch.

Phát triển du lịch
Với chính sách thị thực thuận tiện, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh đã thu hút du khách đến Bình Thuận. Đáng chú ý, những đánh giá về du lịch Mũi Né, Bình Thuận được các tổ chức trong nước, quốc tế xếp hạng, bình chọn cũng là “điểm cộng” để du khách quốc tế tìm đến.
Mũi Né đã lọt vào top 5 điểm đến độc đáo, gây bất ngờ, mang đến những trải nghiệm đẳng cấp thế giới ngay trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Booking.com bình chọn (năm 2024); Tạp chí cẩm nang du lịch Lonely Planet của Hoa Kỳ đã có nhiều bài viết giới thiệu về bãi biển Mũi Né, Đồi cát Mũi Né (năm 2023); Mũi Né là một trong 10 điểm du lịch hàng đầu do Công ty dịch vụ lưu trữ hành lý Bounce bình chọn (năm 2021)…
Sản phẩm nghỉ dưỡng biển từ lâu trở thành thế mạnh của Mũi Né và Bình Thuận. Những lợi thế về cảnh quan, khí hậu, ẩm thực… cũng là điều thu hút khách quốc tế.

Văn hóa bản địa cũng là một yếu tố làm nên nét đặc trưng thu hút du khách, nhất là khách quốc tế đến Bình Thuận. Hành trình khám phá văn hóa đang có nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ và đa dạng, giúp du khách trải nghiệm gần gũi hơn với cuộc sống, nét đẹp văn hóa của người dân địa phương... Điển hình, tour Phan Thiết- đồi cát Bàu Trắng - khám phá văn hóa Chăm ở Bắc Bình như: Đền thờ Pô Anit, Pô Klong Mơhnai, Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm, làng nghề gốm truyền thống Chăm Bình Đức, Kho mở Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú còn “mang” cả không gian văn hóa Chăm về tại resort tạo tiện ích, thuận lợi cho du khách trải nghiệm.
