Lịch sử Quảng Nam: Vị trí chiến lược cho công cuộc mở cõi

Đi suốt chiều dài lịch sử dưới thời các vua nhà Nguyễn, Quảng Nam có vị trí chiến lược quan trọng, có những đóng góp lớn lao cho công cuộc mở cõi của đất nước.

Trên dải đất miền Trung đầy nắng gió, Quảng Nam được biết đến là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, với những địa danh được cả thế giới biết đến.

Vị trí địa lý

Tỉnh Quảng Nam thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ của miền Trung, nước Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 820 km về phía Bắc, cách thành phố Huế 235 km về phía Bắc, giáp với thành phố Đà Nẵng ở phía Bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 900 km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1A, có vị trí địa lý:

Tỉnh lỵ của Quảng Nam đặt tại thành phố Tam Kỳ, có đô thị phố cổ Hội An. Quảng Nam nằm ở khoảng giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tính theo đường Quốc lộ 1.

Tỉnh Quảng Nam diện tích 10.574,86 km2, lớn thứ 6 của Việt Nam, dân số năm 2022 là 1.519.400 người, mật độ dân số đạt 144 người/km2.

Quảng Nam có đường bờ biển dài 125 km, ven biển có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng, như: Hà My (Điện Bàn), Cửa Đại (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành),... Cù Lao Chàm là cụm đảo ven bờ với hệ sinh thái phong phú được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Khí hậu

Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô, chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh miền Bắc. Nhiệt độ trung bình năm 25,6 độ C, Mùa đông nhiệt độ vùng đồng bằng có thể xuống dưới 12 độ C và nhiệt độ vùng núi thậm chí còn thấp hơn. Độ ẩm trung bình trong không khí đạt 84%. Lượng mưa trung bình 2000-2500mm.

Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12, mùa khô kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8, tháng 1 và tháng 9 là các tháng chuyển tiếp với đặc trưng là thời tiết hay nhiễu loạn và khá nhiều mưa. Mưa phân bố không đều theo không gian, mưa ở miền núi nhiều hơn đồng bằng.

Vùng Tây Bắc thuộc lưu vực sông Bung (các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang) có lượng mưa thấp nhất trong khi vùng đồi núi Tây Nam thuộc lưu vực sông Thu Bồn (các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức) có lượng mưa lớn nhất.

Trà My là một trong những trung tâm mưa lớn nhất của Việt Nam với lượng mưa trung bình năm vượt quá 4,000 mm. Mưa lớn lại tập trung trong một thời gian ngắn trong 3 tháng mùa mưa trên một địa hình hẹp, dốc tạo điều kiện thuận lợi cho lũ các sông lên nhanh.

Lịch sử hình thành

Đi suốt chiều dài lịch sử dưới thời các vua nhà Nguyễn, Quảng Nam có vị trí chiến lược quan trọng, có những đóng góp lớn lao cho công cuộc mở cõi của đất nước.

Tháng 6, năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông lập đơn vị hành chính Thừa Tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Danh xưng Quảng Nam xuất hiện từ đây, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Đại Việt đối với vùng đất này.

Và rồi, từ dấu mốc lịch sử ấy, hành trình mở cõi về phương Nam của người Việt tiếp diễn. Đặc biệt từ sau câu nói ẩn dụ “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một trang sử mới đã mở ra cho sự phát triển của vùng đất Quảng Nam, để rồi xa hơn nữa là mở rộng đất nước về tận phương Nam như hiện nay.

Cư dân Quảng Nam là sự cộng cư trong suốt quá trình mở nước. Người Việt (Kinh) có mặt ở Quảng Nam trước năm 1471, cùng với người Chăm pa, người Hoa. Ngày nay, ở Quảng Nam, ngoài người Việt thuần gốc, người Hoa, còn có người Việt (Kinh) có nguồn gốc tổ tiên lâu đời là người Trung Quốc (người Minh Hương).

Dưới thời các chúa Nguyễn, Quảng Nam trở thành đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Vì vậy, Chúa thường để ý kinh lược đất này.

Năm 1602, chúa đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng.” Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn.

Năm Giáp Thìn (1604), chúa Nguyễn Hoàng cho thành lập phủ Điện Bàn quản lĩnh 5 huyện gồm Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu; lệ thuộc vào xứ Quảng Nam.

Ở thời kỳ này, các chúa Nguyễn thi hành nhiều chính sách phát triển kinh tế, đã biến Hội An trở thành thương cảng nổi tiếng, thuyền buôn các nước qua lại tấp nập. Hội An cũng trở thành nơi giao thoa văn hóa giữa người Việt, người Hoa, người Nhật. Chùa Cầu hay còn gọi Cầu Lai Viễn là biểu tượng của sự giao thoa này.

Đến giữa thế kỷ XVII, chính quyền đàng Trong nhanh chóng suy yếu, nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất diễn ra gay gắt, thuế khóa ngày càng tăng… Quan lại lợi dụng hành hạ, ẩu lậu, cố tình tăng giảm, sinh sự làm khổ dân. Trước hoàn cảnh đó, khi phong trào Tây Sơn bùng nổ, nhân dân Quảng Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ.

Mùa thu năm 1773, khi quân Tây Sơn kéo ra Quảng Nam, nhân dân Quảng Nam đã phối hợp cùng nghĩa quân phục kích ở Bến Đá (Thạch Tân, Thăng Bình, Quảng Nam) đánh bại quân của chúa Nguyễn do các tướng Nguyễn Cửu Thống, Nguyễn Hữu Sách… chỉ huy.

Chiến thắng của phong trào Tây Sơn trong sự nghiệp đánh đổ tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn, mở đầu sự nghiệp thống nhất đất nước có phần đóng góp rất lớn của nhân dân Quảng Nam.

Thi công đường Võ Chí Công (Quảng Nam). (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Năm 1806 vua Gia Long thống nhất đất nước. Về hành chính, vua chia đất nước thành 23 trấn và 4 doanh thuộc đất kinh kỳ gồm Trực Lệ-Quảng Đức, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam doanh.

Đến năm 1827, vua Minh Mạng cho đổi dinh Quảng Nam thành Trấn Quảng Nam.

Năm 1831, vua Minh Mạng đổi trấn và doanh thành tỉnh. Quảng Nam chính thức trở thành tỉnh từ năm này. Tỉnh Quảng Nam được chia thành 8 phủ, huyện gồm Hòa Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, và Tiên Phước.

Năm 1836, nhận thấy vị trí đặc biệt quan trọng của Quảng Nam, vua Minh Mạng đặt quân phòng vệ tại thành Điện Hải và An Hải, nơi quan trọng xung yếu ở bờ biển. Vị trí của Quảng Nam được thể hiện rõ qua nhận định của Vua Thiệu Trị.

Vua cho rằng tỉnh Quảng Nam là tỉnh quan trọng ở gần Kinh đô, hai nơi đầu nguồn Chiên Đàn, Hữu Bang, địa thế dài và rộng, đều là nơi địa đầu quan yếu, bèn truyền dụ quan tỉnh cắt thêm biền binh đến đó, hợp với những biền binh đã phái đến trước, chia đóng để giữ yên nơi đó, đợi khi Bắc tuần hồi loan, sẽ lại đưa về các hàng ngũ trước.

Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), đổi tên phủ Thăng Hoa thành phủ Thăng Bình (kiêng húy tên mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa), năm thứ 7 (1847) bỏ chức Tuần phủ đặt chức Tổng đốc Nam-Ngãi. Cuối đời vua Tự Đức, tỉnh Quảng Nam lãnh 2 phủ, 6 huyện; trong đó, phủ Điện Bàn lãnh 3 huyện: Diên Phước, Duy Xuyên, Hòa Vang; phủ Thăng Bình lãnh 3 huyện: Lễ Dương, Hà Đông, Quế Sơn.

Dưới thời Pháp thuộc, nhận thấy tầm quan trọng của Đà Nẵng, người Pháp buộc triều đình nhà Nguyễn phải nhượng lại vùng đất này cho họ. Năm 1888, vua Đồng Khánh ban Dụ được Toàn quyền Đông dương chuẩn y đem phần đất đai thuộc Đà Nẵng (Pháp gọi là Tourane) nhượng cho Pháp. Từ đây Đà Nẵng bị tách khỏi Quảng Nam trở thành nhượng địa của thực dân.

Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ban Dụ thành lập một loạt các thị xã tại miền Trung gồm Thanh Hóa, Vinh, Huế, Quy Nhơn, Phan Thiết; trong đó có thị xã Faifo (tức Hội An) thuộc tỉnh Quảng Nam. Ngày 30/8/1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y Dụ các ngày 20/10/1898 và 12/7/1899 của vua Thành Thái về việc thành lập thị xã Hội An có thu nhập và ngân sách riêng.

Trong giai đoạn này, đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiều thay đổi. Năm 1899, đặt thêm huyện Đại Lộc; năm 1900, tách huyện Hòa Vang khỏi tỉnh Quảng Nam. Đến năm 1935, vua Bảo Đại ban Dụ cho sửa đổi ranh giới của các Khu Đại Lộc, Điện Bàn, Đại Lộc và Hoà Vang thuộc tỉnh Quảng Nam.

Khu trung tâm căn cứ Thượng Đức (Quảng Nam) bị quân Giải phóng tiêu diệt. (Ảnh: Nguyễn Đán/TTXVN)

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, đất nước bị chia cắt làm hai miền lấy Vĩ tuyến 17 tại Quảng Trị làm ranh giới. Toàn bộ địa giới từ Vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Dưới thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa, năm 1956 tỉnh Quảng Nam bị chia thành hai tỉnh mới là Quảng Nam ở phía Bắc gồm các quận Hòa Vang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đức Dục, Hiếu Nhơn, Quế Sơn, Hiếu Đức, và Thường Tín và Quảng Tín ở phía Nam gồm Thăng Bình, Tiên Phước, Hậu Đức, Lý Tín, Hiệp Đức và Tam Kỳ.

Ngày 31/7/1962, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 162-NV thành lập một tỉnh mới có tên là Quảng Tín, tỉnh lị đặt tại Tam Kỳ. Cũng khoảng thời gian đó Ủy ban Kháng chiến Nam bộ tại Quảng Nam lại tách tỉnh Quảng Nam thành 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Trong đó, tỉnh Quảng Đà gồm: 7 huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang, Hiên, Giằng, Phước Sơn.

Sau khi thống nhất đất nước, chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và thành phố Đà Nẵng thành lập tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với Đà Nẵng là tỉnh lị.

Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng gồm thành phố Đà Nẵng và các huyện Hoà Vang, Ðiện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Ðại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Tiên Giang, Phước Sơn, Trà My.

Năm 1997, tại kỳ họp thứ X của Quốc Hội, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được chia thành hai đơn vị hành chính độc lập gồm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Tỉnh Quảng Nam mới có 14 huyện gồm Giằng (nay là huyện Nam Giang), Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang), Đại Lộc, Phước Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Trà My (nay là Bắc Trà My và Nam Trà My), Núi Thành và 2 thị xã: thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố tỉnh lị Tam Kỳ và huyện Phú Ninh) và thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An).

Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, tỉnh Quảng Nam hiện gồm 2 thành phố là Tam Kỳ (tỉnh lị), Hội An; 1 thị xã là Điện Bàn và 15 huyện và 14 huyện (Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn (từ ngày 01/01/2025 nhập huyện Nông Sơn vào huyện Quế Sơn), Núi Thành và Phú Ninh).

Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.057.474 ha, với dân số gần 1,5 triệu người.

Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Sắc màu Hội An luôn có sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Địa phương duy nhất có 2 di sản văn hóa thế giới

Quảng Nam có địa lý vô cùng thuận lợi để kết nối các địa phương khác của Việt Nam và thế giới; có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Là địa phương duy nhất của Việt Nam có 2 di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp cổ Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An.

Khu di tích Mỹ Sơn được xây dựng từ cuối thế kỷ 4 đến thế kỷ 13. Năm 1898, một người Pháp tên là M.C Paris đã phát hiện khu đền tháp Mỹ Sơn nằm kín đáo trong một thung lũng hẹp, giữa những khu rừng rậm rạp.

Được khởi công từ thế kỷ 4 bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14, dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa.

Khu Di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 1/12/1999.

Cù lao Chàm: Ngày 26/5/2009, với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.

Nằm ở phía hạ lưu sông Thu Bồn, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm-Hội An có hệ sinh thái đa dạng, độc đáo của vùng cửa sông và ven bờ, kết nối hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Qua 15 năm bảo tồn và phát triển, hệ sinh thái Cù Lao Chàm không chỉ được phục hồi tương đối nguyên vẹn mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước.

Phố cổ Hội An: Thành phố Hội An có 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ.

Khu phố cổ Hội An là mẫu hình tiêu biểu về một cảng thị truyền thống Đông Nam Á trong giai đoạn thế kỷ XV-XIX. Cảng thị này có mầm móng sơ khai từ trước Công nguyên với nền văn hóa Sa Huỳnh được tiếp tục phát triển dưới thời Champs (thế kỷ II sau CN - thế kỷ XV) và cực thịnh trong thời Đại Việt, Đại Nam (thế kỷ XV - thế kỷ XIX).

Tháng 12/1999, UNESCO đã đưa tên Hội An vào danh mục Di sản văn hóa thế giới./.