Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu: Những lần sát nhập, chia tách của thủ phủ dầu khí

400 năm hình thành và phát triển, Bà Rịa-Vũng Tàu "ôm" trong mình vùng đất Côn Đảo lịch sử và Mỏ Bạch Hổ - nơi định danh Việt Nam trên bản đồ dầu khí thế giới, nay là trung tâm kinh tế ở Đông Nam Bộ.

Bà Rịa-Vũng Tàu nằm ở miền Đông Nam Bộ, với dân số khoảng 1.192.863, xếp hạng 39 toàn quốc. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.983 km2. Tỉnh có vị trí tiếp giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, với Thành phố Hồ Chí Minh ở phía Tây, với tỉnh Bình Thuận ở phía Đông, còn phía Nam giáp Biển Đông.

Vị trí này rất đặc biệt, đây chính là cửa ngõ hướng ra biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ. Vị trí này cho phép tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như: khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển.

Cũng nhờ vị trí này, Bà Rịa-Vũng Tàu có điều kiện phát triển tất cả các tuyến giao thông đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt và là một địa điểm trung chuyển đi các nơi trong nước và thế giới.

Bà Rịa-Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính nằm trên đất liền và một đơn vị hành chính hải đảo là huyện Côn Đảo. Địa hình tỉnh có thể chia làm 4 vùng: bán đảo hải đảo, vùng đồi núi bán trung du và vùng thung lũng đồng bằng ven biển. Bán đảo Vũng Tàu dài và hẹp diện tích 82,86 km2, độ cao trung bình 3-4m so với mặt biển. Xã Long Sơn trước đây được coi là xã đảo, đến nay đã kết nối với Thành phố Vũng Tàu và Thị xã Phú Mỹ bằng hệ thống cầu, đường bộ.

Hiện nay vùng hải đảo của tỉnh còn lại huyện Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo, trong đó lớn nhất là Côn Sơn. Vùng đồi núi bán trung du nằm ở phía Bắc và Đông Bắc tỉnh phần lớn ở Thị xã Phú Mỹ (huyện Tân Thành cũ), Châu Đức, Xuyên Mộc. Ở vùng này có vùng thung lũng đồng bằng ven biển bao gồm một phần đất của các thị xã Phú Mỹ, huyện Long Điền, thành phố Bà Rịa, huyện Đất Đỏ. Khu vực này có những đồng lúa nước, xen lẫn những vạt đồi thấp và rừng thưa có những bãi cát ven biển. Thềm lục địa rộng trên 100.000 km2.

Lịch sử hình thành và phát triển

Quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có thể được tính gần 400 năm, kể từ thỏa ước năm 1623, chúa Nguyễn Phúc Nguyên với vua Chân Lạp Chey Chetta II, cho phép những nhóm c­ư dân Việt đầu tiên được khai phá xứ Mô Xoài.Đến năm 2018, về mặt hành chính, Bà Rịa-Vũng Tàu được chia làm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh, 1 thị xã, 5 huyện với 82 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 47 xã, 29 phường và 6 thị trấn.

Giai đoạn trước năm 1945

Năm 1698, Phủ Gia Định được thành lập gồm 2 huyện Tân Bình và Phước Long trong đó: Huyện Phước Long gồm 4 Tổng trong đó có Tổng Phước An nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và 1 phần tỉnh Đồng Nai như Thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ… Côn Đảo lúc này thuộc tỉnh Hà Tiên.

Năm 1808, Tổng thành huyện, Huyện trở thành Phủ. Theo đó, Tổng Phước An huyện Phước Long trở thành Huyện Phước An phủ Phước Long. Huyện Phước An gồm 2 tổng Phước Hưng và An Phú.

Năm 1819, đảo Côn Lôn (Côn Đảo ngày nay) thuộc đạo Cần Giờ tỉnh Gia Định.

Năm 1937, tách huyện Phước An và [Long Thành] thuộc phủ Phước Long để thành lập phủ Phước Tuy; thành lập huyện mới Long Khánh tách từ huyện Phước An. Phủ Phước Tuy thuộc tỉnh Biên Hoà gồm 3 huyện Phước An, Long Thành và Long Khánh.

Năm 1839, Đảo Côn Lôn thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Năm 1861, Đảo Côn Lôn thuộc tỉnh Hà Tiên như lúc đầu.

Năm 1862, huyện Phước An đổi thành hạt Thạnh Tra Bà Rịa.

Năm 1869, đổi hạt Thạnh Tra thành Khu Tham Biện.

Năm 1882, thành lập Quận Côn Đảo trực thuộc Nam Kỳ.

Năm 1885, thành lập Thành Phố Vũng Tàu từ khu tham biện Bà Rịa.

Năm 1900, khu Tham Biện đổi thành Tỉnh và tỉnh Bà Rịa thành lập mới Tổng An Phú Tân.

Năm 1905, nhập Thành Phố Vũng Tàu vào tỉnh Bà Rịa và 2 tổng Cơ Trạch và Nhơn Xương tỉnh Bình Thuận nhập vào tỉnh Bà Rịa.

Năm 1929, thành lập tỉnh Vũng Tàu từ tổng Vũng Tàu, làng Sơn Long và Quận Cần Giờ (tỉnh Gia Định).

Năm 1934, hạ tỉnh Vũng Tàu xuống cấp Thành Phố.

Năm 1938, lập Quận Long Điền cho toàn tỉnh Bà Rịa và lập mới tổng Phước Hưng Trung.

Năm 1939, tỉnh Bà Rịa gồm 1 Quận Long Điền. Quận Long Điền gồm 8 tổng: An Phú Tân, An Phú Thượng, An Phú Hạ, Phước Hưng Thượng, Phước Hưng Trung, Phước Hưng Hạ, Nhơn Xương và Cơ Trạch.

Giai đoạn sau năm 1945

Năm 1946, Pháp chiếm Bà Rịa và Vũng Tàu. Năm 1947, tái lập tỉnh Vũng Tàu.

Nhà Tròn là nơi ghi dấu người dân Bà Rịa tuần hành, mít tinh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Năm 1954, thành lập Quận Xuyên Mộc.

Năm 1956, thành lập tỉnh Phước Tuy từ tỉnh Bà Rịa và tỉnh Vũng Tàu; Tỉnh Lỵ tại Làng Phước Lễ tổng An Phú Hạ Quận Châu Thành. Đồng thời, Thành lập tỉnh Côn Đảo.

Tỉnh Phước Tuy gồm 6 Quận, 8 tổng và 39 xã. Quận Châu Thành gồm Tổng An Phú Hạ (3 xã), An Phú Tân (4 Xã) và tổng Cơ Trạch (4 Xã: Ngãi Giao, Bình Giã, Bình Ba và Hắc Dịch). Quận Xuyên Mộc gồm Tổng Nhơn Xương (5 Xã). Quận Long Điền gồm tổng An Phú Thượng (6 xã: Long Điền, An Ngãi, An Nhất, Tam Phước, Phước Tỉnh và Long Hải). Quận Đất Đỏ gồm tổng Phước Hưng Thượng (3 Xã), Phước Hưng Trung (2 Xã) và Phước Hưng Hạ (3 Xã). Quận Vũng Tàu (5 Xã: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Rạch Dừa và Phước Cơ) Quận Cần Giờ (6Xã).

Năm 1958, nhập Quận Đất Đỏ vào Quận Long Điền.

Năm 1959, tách 2 Quận là Cần Giờ và Quảng Xuyên cho tỉnh Biên Hoà
Tái lập Quận Đất Đỏ.

Năm 1961, thành lập Quận Đức Thạnh từ 4 xã (Ngãi Giao, Bình Ba, Bình Giã và Hắc Dịch) của Châu Thành.

Năm 1962, đổi Quận Châu Thành thành Quận Long Lễ.

Năm 1964, nhập xã Hội Bài Quận Long Lễ vào Quận Phước Hoà và thành lập thị xã Vũng Tàu trực thuộc Trung Ương.

Năm 1965, nhập Xã Nhu Lâm (Quận Xuyên Mộc) vào Xã Xuyên Mộc. Đặt Côn Đảo Trực thuộc Trung Ương.

Năm 1972, tách đất xã [Hắc Dịch] và xã [Bình Ba] thành lập xã Quãng Phước (Quận Đức Thạnh).

Ngày 6-9-1973, VNCH ban hành Nghị định số 420-BNV/HCĐP/26 quy định các đảo của quần đảo Trường Sa thuộc xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Năm 1974, lập Phường Phước Hải thuộc thị xã Vũng Tàu.

26/4/1975, Sư đoàn Sao Vàng (Sư đoàn 3) nổ súng vào tiểu khu Phước Tuy, trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, mở màn cuộc tấn công giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu.

27/4/1975, Xuyên Mộc và xã đảo Long Sơn hoàn toàn được giải phóng.

30/4/1975, đúng 13h, thành phố Vũng Tàu được hoàn toàn giải phóng.

Tàu hải quân Việt Nam đưa các chiến sỹ cách mạng từ Côn Đảo trở về đất liền sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (4/1975). (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)

Tháng 9/1976, lập huyện Côn Đảo thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 1/1977, chuyển huyện Côn Đảo sang thuộc tỉnh Hậu Giang.

Năm 1979, thành lập đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo trên cơ sở thị xã Vũng Tàu tỉnh Đồng Nai, xã Long Sơn huyện Châu Thành Đồng Nai và huyện Côn Đảo tỉnh Hậu Giang.

Năm 1982, thành lập thị trấn Bà Rịa ( huyện Châu Thành) từ xã Phước Lễ, thị trấn Long Điền (huyện Long Đất) từ xã Long Điền, thị trấn Long Hải (huyện Long Đất) từ xã Long Hải. Giải tán xã Phước Lễ, Long Điền, Long Hải.

Năm 1991, thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ 3 huyện Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc thuộc tỉnh Đồng Nai và Đặc Khu Vũng tàu Côn Đảo.

Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu khi đó gồm: thị xã Vũng Tàu (tỉnh lỵ), Các huyện: Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc và Côn Đảo

Năm 1994, thành lập thị xã Bà Rịa, huyện Tân Thành, huyện Châu Đức, lập Thị Trấn Phú Mỹ trực thuộc Tân Thành, TT Ngãi Giao thuộc Châu Đức. Giải tán huyện Châu Thành

Năm 2003, giải thể huyện Long Đất. Lập huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ.

Năm 2007, lập thị trấn Đất Đỏ và Thị trấn Phước Hải trực thuộc huyện Đất Đỏ.

Ngày 22/8/2012, thành lập Thành Phố Bà Rịa.

Năm 2018, thành lập Thị xã Phú Mỹ (trên cơ sở huyện Tân Thành).

Ngày 01/01/2025, sáp nhập huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ thành huyện Long Đất.

Ngày 01/3/2025, theo Nghị quyết số 1365/NQ-UBTVQH15, thành lập các phường thuộc thị xã Phú Mỹ và thành lập thành phố Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Tuần lễ Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2024 tại sân khấu đường Quang Trung-Bãi Trước, thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Khu di tích lịch sử Côn Đảo là một trong những di tích lớn nhất, lâu đời nhất và đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Từ năm 1862-1975, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm đày đọa hàng chục vạn chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ, biến Côn Đảo trở thành “Địa ngục trần gian” khét tiếng. Nhưng cũng chính ở nơi đây, các chiến sỹ cách mạng đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người Cộng sản.

Sân chim Hòn Trứng Vườn quốc gia Côn Đảo. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Giờ đây, Côn Đảo đã vươn mình đứng dậy, được gìn giữ và dựng xây từng ngày và và xứng đáng được bình chọn “top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á” năm 2016-2017, là đại diện duy nhất của Châu Á nằm trong danh sách “những nơi có nước trong xanh nhất thế giới” năm 2020 và là một trong hai đại diện của Đông Nam Á có mặt trong danh sách 52 điểm đến năm 2021.

Vịnh Đầm Tre-Vườn Quốc gia côn Đảo, tuyến du lịch tham quan hệ sinh thái rừng tại Đầm Tre có thể dễ dàng thấy Sóc đen Côn Đảo, Kì đà vân… hay dây leo cổ thụ dài hơn 100m uốn lượn sống động giữa thiên nhiên. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Bà rịa-Vũng tàu nơi chứng kiến những mốc son của ngành dầu khí Việt Nam

Cách đây hơn 30 năm, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro đã di chuyển chân đế giàn khoan từ Baku (Azerbaijan) sang lắp đặt ngoài khơi Bà Rịa-Vũng Tàu để phục vụ việc thăm dò, khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.

Tháng 5/1984, dòng dầu đầu tiên được tìm thấy tại thềm lục địa Việt Nam. Ngày 3/6/1984, lễ mừng dòng dầu được tổ chức long trọng tại Vũng Tàu. Niềm vui sau đó truyền đi trong triệu trái tim người Việt khi mỏ Bạch Hổ được chính thức đưa vào khai thác vào ngày 26/6/1986 - sự kiện chính thức đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên bản đồ thế giới.

Đến nay, ngành Dầu khí đã tự chế tạo, lắp đặt, vận hành các giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh đó, những sản phẩm cơ khí dầu khí còn được xuất khẩu ra thế giới, góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Các giàn khoan trên mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)