LHQ thông qua nghị quyết về Chiến lược Chống Khủng bố Toàn cầu

Nghị quyết của LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo Chiến lược Chống Khủng bố Toàn cầu luôn thích ứng, phù hợp với các mối đe dọa mới và các xu hướng phát triển của khủng bố quốc tế.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại hội nghị ở New York (Mỹ) về chủ đề phòng chống khủng bố ngày 19/6/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết vòng xem xét thứ tám về Chiến lược Chống Khủng bố Toàn cầu.

Nghị quyết tái khẳng định chiến lược cùng bốn trụ cột, tầm quan trọng của việc thực hiện cân bằng và kết hợp tất cả trụ cột, đồng thời ghi nhận tầm quan trọng của việc tăng cường nỗ lực quan tâm và thực hiện đồng đều các trụ cột này.

Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực, tiểu khu vực đẩy mạnh nỗ lực thực hiện chiến lược một cách công bằng trong tất cả các lĩnh vực.

Bốn trụ cột trong Chiến lược Chống Khủng bố Toàn cầu gồm biện pháp giải quyết các nhân tố dẫn tới khủng bố; phòng chống khủng bố; xây dựng năng lực của các nước trong phòng chống khủng bố và tăng cường vai trò của Liên hợp quốc trong lĩnh vực này; đảm bảo tôn trọng quyền con người và luật pháp, vốn là nền tảng cơ bản trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nghị quyết vừa được Liên hợp quốc thông qua nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo Chiến lược Chống Khủng bố Toàn cầu luôn thích ứng, phù hợp với các mối đe dọa mới và các xu hướng phát triển của khủng bố quốc tế.

[Nhận diện 4 nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia]

Bên cạnh đó, nghị quyết công nhận trách nhiệm cơ bản của các nước thành viên trong việc thực hiện chiến lược, đồng thời khuyến khích xây dựng và phát triển các kế hoạch khu vực, tiểu khu vực và quốc gia ở mức tương ứng để hỗ trợ thực hiện chiến lược.

Nghị quyết cũng kêu gọi các nước chưa tham gia nên xem xét tham gia vào các công ước và nghị định quốc tế hiện nay về chống khủng bố, đồng thời hối thúc tất cả các nước nỗ lực hoàn tất một công ước toàn diện về chống khủng bố quốc tế.

Đặc biệt, nghị quyết nêu bật tầm quan trọng của cách tiếp cận bền vững, toàn diện trong giải quyết các điều kiện có thể làm cho khủng bố lan rộng, bởi chỉ riêng lực lượng quân sự, các biện pháp thực thi luật pháp và các hoạt động tình báo là không đủ để đánh bại khủng bố.

Ngoài ra, nghị quyết tái khẳng định các nước thành viên phải đảm bảo rằng bất kỳ biện pháp nào được sử dụng để chống khủng bố đều phải phù hợp với các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là các luật về nhân quyền, di cư và nhân đạo.

Theo nghị quyết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ có trách nhiệm trình báo cáo kết quả thực hiện chiến lược lên Đại hội đồng Liên hợp quốc muộn nhất là vào tháng 2/2026.

Đến tháng 6/2026, Đại hội đồng sẽ kiểm tra báo cáo của Tổng Thư ký, thực tế triển khai chiến lược của các nước thành viên, cũng như xem xét cập nhật chiến lược cho phù hợp với những thay đổi./.

Luyến Viên (TTXVN/Vietnam+)