LHQ quan ngại trước tình trạng bạo lực tình dục do xung đột ở Sudan
Báo cáo của OHCHR cho biết rất nhiều người, trong đó có trẻ em, đã bị hãm hiếp và chịu đựng các hình thức bạo lực tình dục khác trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Sudan.
Báo cáo do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) công bố ngày 23/2 cho biết rất nhiều người, trong đó có trẻ em, đã bị hãm hiếp và chịu đựng các hình thức bạo lực tình dục khác trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Sudan.
Báo cáo đánh giá tình trạng giao tranh đã nhanh chóng lan rộng trên khắp đất nước Đông Bắc Phi, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Đến nay, bạo lực đã khiến ít nhất 12.000 người thiệt mạng và hơn 8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Báo cáo, được thực hiện trong khoảng thời gian từ khi bùng nổ giao tranh (ngày 15/4/2023) cho đến giữa tháng 12 năm ngoái, ghi nhận những vụ tấn công tình dục ở Sudan - nơi các nhóm viện trợ và giám sát nhân quyền gần như không thể tiếp cận được.
Báo cáo cũng công bố thông tin về việc ít nhất 118 người đã phải hứng chịu bạo lực tình dục, bao gồm cả cưỡng hiếp, trong đó có nhiều vụ tấn công do các thành viên của Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự thực hiện tại nhà và trên đường phố.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra tình trạng tuyển dụng trẻ em làm lính ở cả hai phía trong cuộc xung đột - quân đội Sudan và RSF.
Báo cáo của OHCHR dẫn lời Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc Volker Turk nhận định: “Một số hành vi vi phạm này có thể cấu thành tội ác chiến tranh," đồng thời kêu gọi triển khai những cuộc điều tra nhanh chóng, kỹ lưỡng và độc lập về các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Báo cáo của OHCHR cho rằng cả quân đội Sudan và RSF đều “đã sử dụng các loại vũ khí gây nổ có mức độ sát thương trên diện rộng, chẳng hạn như tên lửa phóng từ máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, vũ khí chống tăng và đạn pháo tại những khu vực dân cư đông đúc."
Sudan rơi vào tình trạng hỗn loạn vào từ tháng 4 năm ngoái khi những cuộc đụng độ nổ ra ở thủ đô Khartoum.
Báo cáo của OHCHR gồm quy trình phỏng vấn hơn 300 nạn nhân và nhân chứng, trong đó, một số cuộc phỏng vấn được thực hiện ở 2 nước láng giềng Ethiopia và Cộng hòa Chad - nơi nhiều người Sudan đã chạy trốn, cùng với việc phân tích các bức ảnh và video thu được qua vệ tinh từ những khu vực xung đột./.