LHQ hướng dẫn về giám sát tình trạng bắt cóc trẻ em trong xung đột

Bà Virginia Gamba nhấn mạnh bắt cóc trẻ em trong bối cảnh xảy ra xung đột vũ trang là một trong những loại vụ việc khó thu thập tài liệu nhất.

Trẻ em tị nạn Syria tại trại tị nạn al-Hilal ở làng al-Taybeh, thung lũng Bekaa, Liban. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/7, Văn phòng đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang đã ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tăng cường giám sát và báo cáo về tình trạng bắt cóc trẻ em.

Cơ quan này cũng cung cấp những công cụ để giải quyết vấn đề ngày càng gia tăng này.

Người đứng đầu văn phòng trên, bà Virginia Gamba nhấn mạnh bắt cóc trẻ em trong bối cảnh xảy ra xung đột vũ trang là một trong những loại vụ việc khó thu thập tài liệu nhất.

Những đứa trẻ bị bắt cóc thường biến mất trong vài tháng, thậm chí vài năm và những gì các nạn nhân phải trải qua trong thời gian này thường để lại những tác động tiêu cực lâu dài trong cuộc sống của chúng sau này.

[Hàng trăm người bị bắt cóc, giết hại ở CHDC Congo]

Một số trẻ được thả tự do hoặc tìm cách trốn thoát được phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc tái hòa nhập cộng đồng.

Do đó, Liên hợp quốc cùng với các đối tác cần phải giải quyết vấn đề này để trẻ em được hưởng lợi từ các chương trình tái hòa nhập phù hợp và dài hạn.

Bà Gamba cũng nhấn mạnh những trẻ em bị bắt cóc, đặc biệt là trẻ em gái thường bị bắt cóc khi đang trên đường đi học hoặc đang học ở trường. Các em bị bắt cóc vì nhiều mục đích như bóc lột, đòi tiền chuộc, cưỡng hiếp, bạo lực tình dục và nhiều lý do khác.

Theo bà Gamba, số vụ bắt cóc đã được xác minh trong năm 2020 tăng 90% và tiếp tục tăng 20% trong năm ngoái. Trong số những quốc gia và khu vực có số trẻ em bị bắt cóc cao nhất trong 2 năm 2020-2021 có Somalia, CHDC Congo, Syria, Burkina Faso, và lưu vực hồ Chad. Trẻ em trai là mục tiêu chính nhưng trẻ em gái đang ngày càng trở thành mục tiêu của các vụ bắt cóc.

Bà Gamba cho rằng những con số trên cho thấy tất cả các tổ chức có nhiệm vụ giám sát và báo cáo cần được trang bị khẩn cấp những công cụ mạnh mẽ nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng bắt cóc trẻ em này.

Văn bản hướng dẫn về bắt cóc trẻ em của Liên hợp quốc có thể đáp ứng được nhu cầu cấp bách này. Văn bản dài 50 trang nhấn mạnh việc tiếp tục thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2015 vốn chính thức công nhận tầm quan trọng của việc bắt thủ phạm bắt cóc trẻ em phải chịu trách nhiệm.

Văn bản này được soạn thảo với sự hợp tác của nhiều tổ chức thuộc Liên hợp quốc về bảo vệ trẻ em./.

Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)