LHQ: Gần 70% số người thiệt mạng ở Dải Gaza là phụ nữ và trẻ em

Báo cáo cho biết nạn nhân nhỏ tuổi nhất được các giám sát viên của Liên hợp quốc xác minh là một bé trai một ngày tuổi, và nạn nhân lớn tuổi nhất là một phụ nữ 97 tuổi.

Người dân sơ tán khỏi thành phố Khan Younis, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 8/11 công bố báo cáo cho biết gần 70% số người thiệt mạng mà cơ quan này xác minh được trong cuộc xung đột ở Dải Gaza là phụ nữ và trẻ em.

Số liệu báo cáo của Liên hợp quốc tổng hợp trong 7 tháng đầu tiên xảy ra xung đột, bắt đầu từ ngày 7/10/2023, cho thấy con số 8.119 người thiệt mạng mà Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc xác minh được trong 7 tháng này thấp hơn đáng kể so con số 43.000 người thiệt mạng do các cơ quan y tế Palestine cung cấp trong toàn bộ 13 tháng xảy ra xung đột.

Tuy nhiên, báo cáo của Liên hợp quốc thừa nhận thực tế phụ nữ và trẻ em chiếm phần lớn trong số những người thiệt mạng trong cuộc xung đột này. Cụ thể, báo cáo cho biết nạn nhân nhỏ tuổi nhất được các giám sát viên của Liên hợp quốc xác minh là một bé trai một ngày tuổi, và nạn nhân lớn tuổi nhất là một phụ nữ 97 tuổi.

Nhìn chung, trẻ em chiếm 44% số nạn nhân, trong đó trẻ em từ 5 đến 9 tuổi chiếm nhóm tuổi lớn nhất, tiếp theo là trẻ em từ 10 đến 14 tuổi, và sau đó là trẻ em từ 4 tuổi trở xuống.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk nhấn mạnh phát hiện này cho thấy sự vi phạm có hệ thống các nguyên tắc cơ bản của luật nhân đạo quốc tế.

Xung đột Israel-Hamas bùng nổ vào ngày 7/10/2023, khi phong trào Hamas mở cuộc tấn công bất ngờ với quy mô lớn vào Israel, khiến khoảng 1.200 người ở Israel thiệt mạng và hơn 250 người đã bị bắt làm con tin.

Chỉ trong vòng vài giờ, Israel đã phản công và phát động một cuộc chiến toàn diện để tiêu diệt Hamas và giải cứu các con tin.

Theo cơ quan y tế tại Gaza, các đòn tấn công trả đũa của Israel đến nay đã khiến hơn 43.000 người Palestine ở Dải Gaza thiệt mạng. Ước tính khoảng 2,3 triệu người đã phải di dời. Nhiều người đang phải tá túc ở các trại tị nạn trong tình cảnh thiếu lương thực, nước sạch, điện và thuốc men./.