LHQ cảnh báo “rạn nứt lớn” trong hệ thống tài chính toàn cầu
Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo thế giới thực sự có nguy cơ phân mảnh - sự rạn nứt lớn trong các hệ thống kinh tế và tài chính, với các chiến lược chia rẽ về công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
Thế giới có nguy cơ đối mặt với sự “rạn nứt lớn” trong các hệ thống kinh tế và tài chính. Đó là cảnh báo của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 7/9 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở thủ đô Jakarta, Indonesia.
Trong bài phát biểu có phạm vi rộng đề cập đến các vấn đề địa chính trị, tài chính phát triển đa phương và biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tìm giải pháp hòa bình và toàn diện cho các thách thức thế giới đang phải đối mặt.
Ông Guterres cảnh báo thế giới thực sự có nguy cơ phân mảnh - sự rạn nứt lớn trong các hệ thống kinh tế và tài chính, với các chiến lược chia rẽ về công nghệ và trí tuệ nhân tạo cũng như các khuôn khổ an ninh xung đột nhau. Để tránh nguy cơ này, ông Guterres kêu gọi hình thành cơ chế cung cấp cứu trợ cho các nền kinh tế đang phát triển bị mắc kẹt trong các khoản nợ. Cơ chế này bao gồm việc đình chỉ thanh toán nợ, đặt ra thời hạn cho vay dài hơn và lãi suất thấp hơn.
[Indonesia kêu gọi WB xây dựng hệ thống tài chính công bằng hơn]
Ngoài ra, ông Guterres cũng bày tỏ ủng hộ việc tái phân bổ thêm 100 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua các ngân hàng phát triển đa phương để tăng tính thanh khoản và hỗ trợ nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển.
Năm 2021, các nước giàu đã nhất trí chuyển lại số tiền chưa được sử dụng, một loại tiền dự trữ quốc tế, cho các nước nghèo. Tháng 6 vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới tại Paris, các nhà lãnh đạo thế giới đã ủng hộ việc thúc đẩy các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) chấp nhận rủi ro dành nhiều vốn hơn để tăng cường cho vay.
Tại hội nghị này, Chủ tịch WB Ajay Banga đã vạch ra “bộ công cụ” bao gồm việc tạm dừng trả nợ, giúp các quốc gia linh hoạt trong chuyển hướng nguồn vốn cho ứng phó khẩn cấp, cung cấp các loại bảo hiểm mới để hỗ trợ các dự án phát triển và giúp các chính phủ xây dựng hệ thống ứng phó tài chính khẩn cấp./.