Lễ hội vật cầu nước làng Vân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội là nét tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời của người dân làm nông nghiệp, có tính lịch sử, độc đáo, hài hước, vui vẻ, kịch tính và "độc nhất vô nhị."
Chiều 12/5, tại xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đại diện Cục Di sản Văn hóa-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao chứng nhận Lễ hội vật cầu nước làng Vân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội vật cầu nước làng Vân được tổ chức vào các ngày 12,13 và 14 tháng Tư Âm lịch. Lễ hội là nét tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời của người dân làm nông nghiệp, có tính lịch sử, độc đáo, hài hước, vui vẻ, kịch tính và "độc nhất vô nhị."
Lễ hội được tổ chức trên sân chính của đền thờ Thánh Tam Giang ở xóm 4, thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, có diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống. Tại đây 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu được chia làm hai giáp (mỗi giáp tám người), gọi là giáp trên và giáp dưới. Mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp.
Ngay từ khâu chuẩn bị, lựa chọn thành phần tham gia lễ hội, diễn trình lễ hội đã rất bài bản, khuôn phép. Sân cầu được dọn dẹp sạch sẽ, đầm chặt đất sét cho phẳng.
Làng cử ra những cô gái trẻ đẹp nết na, chưa có chồng, mặc trang phục truyền thống áo nâu sòng của phụ nữ vùng Kinh Bắc, gánh nước từ sông Cầu đổ vào sân cầu. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang sòng và gánh bằng hai chĩnh gốm Thổ Hà.
[Phát huy giá trị, tạo sức sống mới cho các di sản văn hóa phi vật thể]
Việc tuyển chọn quân cầu rất khắt khe. Họ là trai tráng khỏe mạnh, không có tang bụi, không có bệnh tật, dị tật, không có can phạm, can án. Tất cả quân cầu đều được huấn luyện 3 buổi chiều trước khi hội mở. Làng có ban huấn luyện quân cầu, thường là quân cầu của những mùa hội trước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên Thân Văn Thuần cho biết tục truyền rằng, trước đây, Thánh Tam Giang là Trương Hống, Trương Hát phò vua Triệu Quang Phục đánh giặc Lương (thế kỷ thứ VI). Khi đánh thắng quân Lương ở đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá, chúng xông ra chống lại quân nhà Thánh.
Bọn quỷ đen ra điều kiện rằng nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn. Còn nếu thua, chúng sẽ phải quy phục hầu nhà Thánh. Chiến trận xảy ra, bọn quỷ đen thua trận đã quy phục Đức Thánh Tam Giang.
Khi thắng trận, dân mở hội ăn mừng chiến thắng, trong đó có các quân cầu là biểu trưng cho trận chiến nêu trên, một đội là quân nhà Thánh, một đội là lũ quỷ nước. Hội vật cầu nước với ý nghĩa là hội mừng chiến thắng. Đồng thời cũng thể hiện mong muốn của cư dân trồng lúa nước cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Quả cầu làm bằng gỗ mít là tượng trưng cho Mặt Trời.
Theo thông lệ xưa, hội vật cầu nước làng Vân được tổ chức thường xuyên theo điều lệ và quy ước của làng. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945-1954, lễ hội vật cầu nước ít được tổ chức. Năm 2002, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức, lễ hội đã được khôi phục. Hương ước của làng hiện nay quy định, 4 năm sẽ tổ chức lễ hội vật cầu nước một lần./.