Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng - Di sản Phi vật thể Quốc gia
Người Mông quan niệm ngày được chọn để tổ chức Lễ Dù su là ngày xấu trong năm nên cần làm lễ cúng để cầu may, giải hạn, xua đi những điều xấu, không may mắn, rủi ro của năm.
Lễ cúng dòng họ, còn gọi là Lễ Dù su, là một trong những lễ quan trọng, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mông ở tỉnh Điện Biên.
Mới đây, "Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng" đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Theo tiếng dân tộc Mông, “dù” có nghĩa là nuôi, che khuất; “su” là tên một loài quái vật hút máu người. Lễ Dù su là nghi thức được tiến hành nhằm xua đuổi, che khuất đi một loài quái vật hút máu người để không làm hại đến con người, cầu mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với cả dòng họ.
Người Mông quan niệm ngày được chọn để tổ chức Lễ Dù su là ngày xấu trong năm nên cần làm lễ cúng để cầu may, giải hạn, xua đi những điều xấu, không may mắn, rủi ro của năm.
Ở Điện Biên, Lễ Dù su của người Mông được tổ chức mỗi năm một lần theo dòng họ và tùy thuộc vào tập quán cũng như quan niệm về ngày đẹp của mỗi dòng họ ở mỗi địa phương.
Chẳng hạn dòng họ Mùa, họ Vàng, họ Tráng ở bản Lồng xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo tổ chức Lễ Dù su vào ngày 27/7 âm lịch. Trong khi đó, dòng họ Giàng, họ Sùng lại tổ chức vào ngày 17 hoặc 19/9 âm lịch.
Địa điểm tổ chức Lễ Dù su cũng khác nhau: có dòng họ chỉ cúng trong nhà, trên bàn thờ; có dòng họ vừa cúng trên bàn thờ, vừa cúng phía sau nhà hoặc trên một bãi đất tương đối bằng phẳng gần nhà.
Cách tổ chức cũng tùy thuộc từng dòng họ, có nơi chỉ được thực hiện ở nhà trưởng họ; có nơi lại luân phiên tổ chức ở từng gia đình.
[Mèn mén: Đặc sản độc nhất vô nhị của người Mông ở Hà Giang]
Công tác chuẩn bị Lễ Dù su được tiến hành rất chu đáo. Trước ngày làm lễ khoảng một tháng, trưởng dòng họ cùng với đại diện các gia đình sẽ họp bàn, thống nhất từ việc đóng góp lễ vật, lương thực thực phẩm cho buổi liên hoan chung sau khi tổ chức lễ, lựa chọn các thầy cúng thực hiện nghi lễ và phân công cụ thể các thành viên khác trong việc phụ lễ, chế biến thực phẩm.
Các hộ gia đình đến dự lễ Dù su thường mang theo một bó hương để làm lễ; giấy bản tự làm, nhuộm màu đỏ, xanh, vàng; các sợi chỉ màu xanh, đỏ, trắng... tượng trưng cho ma quỷ, điều xấu để thầy cúng xua đuổi, cất vào quả hồ lô hay cắt bỏ, đốt hoặc mang đi chôn cất với ý nghĩa để những điều xấu không thoát được ra bên ngoài.
Trưởng họ sẽ chuẩn bị một con gà trống màu đỏ để làm lễ cúng xua đuổi ma quỷ, điều xấu. Ngoài ra, trưởng họ còn chuẩn bị rượu, gạo, thịt (lợn, bò... tùy điều kiện của dòng họ và số tiền đóng góp của các hộ gia đình) để làm thực phẩm cho bữa liên hoan chung.
Nghi lễ diễn ra tại không gian giữa nhà, đặt 2 chiếc bàn trước bàn thờ “Xử ca” để 4 thầy cúng làm lễ, trong quá trình làm lễ có người phụ để gõ chiêng để triệu tập âm binh. Khi các thầy cúng thông báo âm binh đã đông đủ, chuẩn bị lên đường để xua đuổi “su” thì lúc đó, những người phụ sẽ dừng gõ chiêng.
Khi đến đoạn quét, xua đuổi “su," tất cả các thành viên của dòng họ ra đứng tập trung tại không gian giữa nhà, phía sau các thầy cúng.
Người đại diện cho dòng họ sẽ để các mảnh vải đỏ, xanh, trắng lên trên đầu, vai các thành viên (tượng trưng cho “su”). Sau khi nghe thấy các thầy cúng làm các động tác xua đuổi "su” thì đồng thời người trưởng họ cầm con gà trống đi quét, quạt để đánh bay những mảnh vải màu và giấy màu trên đầu các thành viên.
Đây là nghi thức quan trọng của Lễ Dù su để xua đuổi đi, quét sạch những ma xấu, giúp cho dòng họ không có đau thương và tất cả các thành viên trong dòng họ luôn có sức khỏe, may mắn trong cuộc sống.
Sau khi đã làm bay, làm rơi các mảnh vải màu và giấy màu, mọi người đi ra, người đại diện cùng với một số thành viên giúp việc sẽ nhặt những mảnh giấy đó, bỏ vào quả bầu và treo lên cột chính trên mái nhà. Đồng bào quan niệm khi đã cất đi như vậy thì những tà ma, quái vật đó sẽ không còn lang thang, phiền nhiễu và gây hại.
Kết thúc nghi lễ, mọi người tập trung tại nhà trưởng họ liên hoan mừng thành công của lễ cúng.
Trong ba ngày sau khi thực hiện nghi lễ, tất cả các thành viên trong dòng họ không được sử dụng lại các loại dao, liềm, dụng cụ lao động, cầm nỏ, súng..., kiêng đánh bắt cá, săn bắn thú rừng và giết mổ vật nuôi.
Dù su là một nghi lễ đặc sắc của người Mông, tích hợp nhiều yếu tố văn hóa bản địa và thấm đẫm các giá trị nhân văn.
Lễ cúng cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên đã che chở, phù hộ cho gia đình, dòng họ, bản làng, là cơ hội để cả dòng họ sum họp, tăng cường tình đoàn kết./.