Lào Cai tập trung phát triển ngành dược liệu kết hợp du lịch

Lào Cai đang phát triển mạnh mẽ các mô hình sản xuất dược liệu kết hợp du lịch, gồm cả du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược, các loại mỹ phẩm và du lịch kết hợp ẩm thực chữa bệnh.

Người dân ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà thu hoạch quế. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Là tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện tự nhiên, khí hậu đa dạng, Lào Cai là địa phương có kho tàng dược liệu phong phú; nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược.

Với việc tập trung khai thác tiềm năng đất rừng lớn với các cánh rừng già, rừng tự nhiên lâu năm có mức độ đa dạng sinh học cao, trữ lượng nhiều cây dược liệu tự nhiên quý hiếm, trong những năm qua, Lào Cai đã tập trung thúc đẩy phát triển ngành sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh, kết hợp với phát triển du lịch.

Lào Cai là 1 trong 8 vùng trồng dược liệu có thế mạnh của Việt Nam theo Quy hoạch Tổng thể Phát triển Dược liệu đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dược liệu cũng là cây trồng chủ lực được trong Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Hàng hóa Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo thống kê, Lào Cai có khoảng 850/3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; một số cây là đặc hữu trên dãy núi Hoàng Liên như: Hoàng liên gai, Thất diệp nhất chi hoa, Sâm vũ diệp (Tam thất hoang). Lào Cai còn có trữ lượng nhiều cây dược liệu tự nhiên quý hiếm, giá trị y dược cao như: Giảo cổ Lam, Sa nhân tím, Đương quy,… và nhiều loại cây dược liệu địa phương có giá trị kinh tế cao như: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Actisô, Đỗ trọng, Độc hoạt, Đương quy, Tam thất, Xuyên khung, Bạch truật...

Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chương trình, dự án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển sản xuất dược liệu của tỉnh, nổi bật như Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Dự án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển cây dược liệu; Kế hoạch về phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020; Đề án Phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch phát triển sản xuất dược liệu gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022-2025.

Đến hết năm 2022, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt 3.550ha; sản lượng đạt 18.200 tấn tươi, giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt từ 110 - 140 triệu/ha.

Hiện tỉnh có 210 ha cây dược liệu trồng (13 loại cây) đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP.

Đặc biệt, tỉnh đang phát triển mạnh mẽ các mô hình sản xuất dược liệu kết hợp du lịch, gồm cả du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược, các loại mỹ phẩm và du lịch kết hợp ẩm thực chữa bệnh.

Đồi trồng dược liệu cây cát cánh của gia đình anh Tráng Seo Khúa ở thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai). (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Trong đó thuốc tắm người Dao được các công ty, hợp tác xã chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển bền vững với diện tích trồng và khai thác tự nhiên khoảng trên 1.300ha tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn. Các sản phẩm thuốc tắm, thuốc ngâm chân, cao Atiso, cao Đỗ trọng, cao Dây gắm, tinh dầu, sản phẩm dạng nước đóng chai, sản phẩm lá khô và tinh dầu từ cây Chùa dù, hương nhang thảo dược từ bột cây Ngải cứu đã được kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn khi sử dụng. Giá trị thuốc tắm thu được từ sản xuất-kinh doanh sản phẩm và dịch vụ ước khoảng 97,5 tỷ đồng.

Cây dược liệu tự nhiên quý hiếm và có giá trị y dược cao như Đương quy, Giảo cổ lam, Ngũ gia bì gai, Chè dây, được ứng dụng trong các bài thuốc dân gian và sản xuất thành các sản phẩm phục hồi sức khỏe làm quà tặng để du khách chọn mua tại các điểm du lịch Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát...

Một số địa phương đã xây dựng mô hình trồng thảo dược (Đương quy, Giảo cổ lam, Khởi tử, Bò khai) và các loại rau rừng gắn với các món ăn bản địa độc đáo, thu hút khách du lịch.

Nhóm dược liệu dược dùng chưng cất tinh dầu cũng được đưa vào sản xuất đại trà, sản phẩm được tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu. Đặc biệt cây Quế đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích trên 58.000 ha; trong đó có 3.671 ha được công nhận vùng Quế hữu cơ.

Thời gian tới, Lào Cai triển khai thực hiện một số giải pháp phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh như chủ động trong khâu sản xuất và cung ứng giống cây dược liệu; chuyển hướng từ “trồng dược liệu” sang phát triển “công nghiệp dược liệu”; thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến sâu nhóm dược liệu tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai; phát triển dược liệu gắn với du lịch tại các khu vực, địa phương có thế mạnh như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai./.