Lào Cai: Phát triển nghề cá nước lạnh theo hướng an toàn, bền vững

Hiện người nuôi cá nước lạnh Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đang tích cực tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, cùng với đó minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhằm tạo đầu ra vững chắc trên thị trường.

Trang trại Thức Mai tại thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, cung ứng cá giống, cám cá và thu mua cá xuất bán từ trên 30 hộ dân trong vùng. (Ảnh: TTXVN)

Lào Cai là một trong hai địa phương nuôi cá nước lạnh nhiều nhất cả nước.

Hiện người nuôi cá nước lạnh Sa Pa đang tích cực tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, cùng với đó minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tạo đầu ra vững chắc trên thị trường.

Đầu tư nuôi cá nước lạnh đòi hỏi những yếu tố khắt khe về nguồn nước tự nhiên, con giống nhập khẩu, giá thức ăn nuôi cá cao. Nếu không gặp muốn rủi ro, ngành nghề này buộc phải có liên kết chặt chẽ từ tổ chức sản xuất, tiêu thụ đến chế biến sâu để gia tăng thu nhập cho người nuôi cá nước lạnh.

Do khí hậu lạnh đặc trưng của Sa Pa gần giống với điều kiện sống tự nhiên của cá hồi nhập ngoại nên chất lượng cá hồi nơi đây không hề thua kém các loại cá hồi nhập khẩu về chất lượng và giá trị dinh dưỡng.

Hợp tác xã Thức Mai tại thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, do chị Phạm Thị Mai làm chủ hiện đang cung ứng cá giống, cám cá và thu mua cá xuất bán từ trên 30 hộ dân trong vùng.

Chị Mai cho biết để đảm bảo uy tín cho sản phẩm và có chỗ đứng lâu dài trên thị trường, sản phẩm chị làm ra phải là sản phẩm sạch. Nguyên liệu cá phải tươi sống và nuôi an toàn thì chị mới thu mua. Do đó, các hộ dân liên kết sản xuất với trại chị đều phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật nuôi cá theo quy định.

Trong quá trình liên kết sản xuất, mỗi hộ chăn nuôi thay vì mạnh ai nấy làm như trước kia, giờ đây đều tuân thủ lịch trình thả giống vào một thời điểm khác nhau. Từ đó, lượng cá xuất bán không bị chồng chéo, giữ được giá và chất lượng cá đảm bảo hơn. Đặc biệt, các sản phẩm: ruốc cá hồi Sa Pa, cá hồi Sa Pa cắt khúc, cá hồi Sa Pa phi lê và cá hồi Sa Pa hun khói của hợp tác xã được công nhận làsản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia, thành công khẳng định vị thế và sức ảnh hưởng đến từ sản phẩm cá hồi Sa Pa.

Cá hồi Sa Pa phục vụ khách du lịch tại một nhà hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Các sản phẩm tiêu thụ ổn định doanh thu đạt bình quân khoảng 12-15 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 10-15 lao động là người địa phương với mức thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng…

Gia đình anh Trần Chung Hưng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại và Dịch vụ du lịch Song Nhi Sa Pa đã có 5 trại cá tầm, cá hồi, với hơn 100 bể nuôi cá thương phẩm, cá giống, quy mô diện tích khoảng 8ha. Không chỉ cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, Công ty còn kết hợp cùng Hội Nông dân thị xã Sa Pa hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh lãi suất thấp, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi cá; đưa đội ngũ kỹ thuật đến tận từng trại cá kiểm tra, kịp thời phát hiện dịch bệnh và đưa ra phác đồ điều trị khi cá bị bệnh.

"Người chăn nuôi chỉ việc chịu trách nhiệm về mặt bằng và xây dựng trang trại, chăm sóc cá theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo sản phẩm khi xuất trại đạt chất lượng cao nhất," ông Hưng cho biết.

Để khép kín chuỗi sản xuất, anh Hưng mở thêm 2 nhà hàng về dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch. Tại nhà hàng của anh không chỉ có các sản phẩm cá hồi chế biến sâu cá hồi hun khói, ruốc cá hồi, cá hồi philê..., khách hàng còn được thưởng thức các món ăn tươi ngon từ cá do tận tay mình chọn lựa đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng tốt nhất khi đưa lên bàn ăn.

Ông Phạm Bá Uyên, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Lào Cai, cho biết chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp từ nuôi trồng đến bàn ăn đang là giải pháp làm thay đổi tất cả những manh mún, đứt gãy trong chuỗi giá trị rời rạc lâu nay trên thị trường sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi. Các hội viên như chị Mai, anh Hưng đã sản xuất theo chuỗi khép kín từ nuôi trồng đến bàn ăn, nhà hàng, khách sạn như cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

"Đây được xem là mô hình mà hầu hết các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đang theo đuổi, đặc biệt là các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững," Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhấn mạnh.

Hiện Lào Cai có trên 500 cơ sở nuôi cá nước lạnh với thể tích đạt 100.000m3. Nghề cá nước lạnh đã thực sự giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại địa phương.

Trại cá hồi Thức Mai tại xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, là cơ sở đầu tiên của Lào Cai tiến hành gắn tem truy xuất nguồn gốc cho trên 5.000 con cá tầm. (Ảnh: TTXVN)

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, còn nhiều dư địa để phát triển ngành cá nước lạnh tại Lào Cai. Theo anh Trần Chung Hưng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Du lịch Song Nhi Sa Pa, dựa vào lượng thức ăn tiêu thụ qua thử nghiệm thả nuôi đan xen giữa các vùng khí hậu, tỉnh Lào Cai có thể phát triển ngành cá nước lạnh gấp nhiều lần hiện nay mà không lo về thị trường tiêu thụ.

Vào mùa Hè, nông dân có thể nuôi cá thịt và con giống lớn tại các khu vực có độ cao trên 800m. Đến mùa đông đưa chúng về nuôi tại các khu vực có độ cao thấp hơn. từ 300m đến 800m. Ngoài ra, những hộ trồng lúa 1 vụ có nguồn nước sạch đầu nguồn hoàn toàn có thể trải bạt trên ruộng lúa đã thu hoạch để nuôi cá hồi cỡ giống to 500gr. Sau 5 tháng thả nuôi mùa đông có thể xuất cá từ 1,2kg đến 1,5kg mang lại thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa mà không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Ngoài ra, cũng theo anh Trần Chung Hưng, trên thực tế ngoài 2 năm dịch bệnh COVID-19 không thể mang sản phẩm đi tiêu thụ thì tất cả các sản phẩm cá nước lạnh của Lào Cai khi đến kỳ thu hoạch đều dễ dàng tiêu thụ, thậm chí bán với giá cao gấp 3,4 lần giá sản xuất. Trong khi đó, vẫn có sự chênh lệch lớn giữa giá bán tại trại cá và giá bán tại các trung tâm thương mại. Cá bán tại ao nuôi dao động từ 200.000-250.000 đồng/kg, giá tại nhà hàng khách sạn từ 500.000-600.000 đồng/kg, thậm chí có những thời điểm lên đến 800.000 đồng/kg.

Sự chênh lệch lớn đó đến từ cung cầu mất cân đối, cung ít và cầu nhiều dẫn đến việc người tiêu dùng khó tiếp cận với các sản phẩm của cá nước lạnh. Do đó, nhiều doanh nghiệp, nông dân đang rất có niềm tin vào triển vọng phát triển mạnh hơn nữa nghề nuôi cá nước lạnh tại địa phương.

Năm 2023, tổng sản lượng cá nước lạnh trên địa bàn Lào Cai đạt khoảng 1.000 tấn, tăng gần 400 tấn so với năm 2019, tập trung chủ yếu tại thị xã Sa Pa và các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên...

Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 110.000m3, sản lượng cá nước lạnh đạt 1.600 tấn. Để nghề nuôi cá nước lạnh phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững, Lào Cai xác định cần có sự liên kết đồng bộ chặt chẽ và mở rộng mạng lưới liên kết hơn nữa.

Theo ông Phạm Bá Uyên, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai, trong thời gian tới, người nuôi cá tại Lào Cai đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết dưới hình thức tổ, nhóm hoặc tổ hợp tác nhằm hoạch định kế hoạch chung, quản lý môi trường và nguồn nước chung, hỗ trợ nhau huy động vốn, trao đổi công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi thương phẩm, giám sát quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, các thông tin thị trường.

Ngoài ra, để chủ động nguồn giống và bảo vệ nguồn nước, là điều kiện tiên quyết và sống còn của nghề cá nước lạnh, các cơ quan chức năng Lào Cai khuyến khích người nuôi cá nước lạnh tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống cá nước lạnh có quy mô sản xuất thể tích trên 1.000m3 và áp dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn trong sản xuất nhằm tiết kiệm nguồn nước lạnh, đảm bảo chất lượng nước để nâng cao tỷ lệ sống, năng suất, sản lượng trong sản xuất và thực hiện quy trình xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường./.