Lào Cai nỗ lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719
Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Lào Cai có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh ngày càng cao.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội vùng Dân tộc Thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719) đã đi được nửa chặng đường với những nỗ lực thực hiện của tỉnh Lào Cai.
Các dự án của Chương trình đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 là một quyết sách mang tính lịch sử. Lần đầu tiên Quốc hội, Chính phủ đã quyết định đầu tư một chương trình dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay.
Đây là chương trình có quy mô lớn, với nhiều dự án phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện (10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung thành phần).
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 là giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu của Đề án Tổng thể Phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030 mà Quốc hội đã phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14.
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm.
Từ đó, góp phần tạo nên sự đoàn kết, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và mang lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chung của tỉnh và các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được hoàn chỉnh; đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh ngày càng cao, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế cho và giúp người dân ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đến thời điểm này, công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt được những kết quả quan trọng.
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 34.585/178.586 hộ nghèo, chiếm 19,37%, giảm 5%/năm; trong đó có 32.907 hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 31,8%, giảm trên 6%/năm.
Năm 2023, Lào Cai được phân bổ là 1.067.365 triệu đồng, vốn chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023 là 115.870 triệu đồng.
Các sở, ban, ngành đã phối hợp, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện lập, trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua các kế hoạch làm cơ sở để Ủy ban Nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu, kế hoạch vốn đầu tư phát triển, giao dự toán kinh phí sự nghiệp năm 2023.
Với nguồn vốn đó, tỉnh đã tiến hành triển khai nhiều dự án an sinh, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân nhằm thực hiện hiệu quả nội dung Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 từng bước làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số.
Từ đầu năm 2023 đến 21/11/2023, tỉnh Lào Cai thực hiện giải ngân 370.603 triệu đồng, đạt 31,3% kế hoạch đề ra.
Từ nguồn lực của Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 và các chương trình đầu tư khác cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai có 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bêtông; Tỷ lệ hộ dân người dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 95,7%.
Về văn hóa, tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 100%; Tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng đạt 65,6%.
Về giáo dục, tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố đạt 74,9%; Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 4-5 tuổi đến trường đạt 99 %; Tỷ lệ người từ 15-60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 84%.
Về y tế, tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ che phủ Bảo hiểm Y tế bình quân đạt 85,3%; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) còn 28,6%; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) còn 16,7%.
Với mục tiêu hoàn thành các nội dung kế hoạch đã đề ra trong năm 2023, thì việc giải ngân nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 là rất quan trọng, bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, cho biết trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường, đồng bộ các khâu trong triển khai Chương trình ở địa phương từ công tác tổ chức chỉ đạo; truyền thông, tuyên truyền, vận động đến công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đánh giá. Trong đó, từng khâu có xác định cách thức cụ thể, việc làm trọng tâm.
Cụ thể là trong tổ chức chỉ đạo, quản lý: Việc phân công nhiệm vụ cụ thể người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc các ngành, các cấp địa phương thông qua quy chế hoạt động ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia các cấp; trong quản lý ở địa phương đã đẩy mạnh việc phân cấp nhằm tăng cường tính chủ động cho cấp huyện, cấp xã.
Công tác tuyên truyền vận động, xác định người dân, đối tượng trực tiếp thụ hưởng Chương trình là chủ thể chính, là mục tiêu và trung tâm phục vụ, hướng cho họ tích cực tham gia thực hiện các nội dung chương trình để có hiệu quả.
Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ đầu tư, đơn vị xây dựng kế hoạch giải ngân các nội dung, nhiệm vụ chi tiết hằng tuần, báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo giải quyết.
Trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đánh giá Chương trình: Ngoài hình thực văn bản, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thì Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng lãnh đạo các ngành ở tỉnh xuống địa phương, cơ sở nắm tình hình, trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của cơ sở.
Các đoàn kiểm tra, giám sát, ngoài việc đánh giá tình hình thực hiện thì phải tăng cường công tác hướng dẫn cơ sở để thực hiện các nội dung chương trình nhằm bảo đảm đúng quy định, phát huy hiệu quả.
Tiếp tục kiến nghị với các Bộ ngành trung ương tháo gỡ khó khăn vướng mắc và sửa đổi các quy định không phù hợp điều kiện thực tế triển khai tại địa phương, cơ sở.
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới gồm 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số, sống trải dài ở 138 xã, phường, thị trấn.
Trong số đó có 66 xã, phường, thị trấn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực 3, 4 xã khu vực 2 và 68 xã khu vực 1, có 605 thôn đặc biệt khó khăn.
Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn.
Những năm qua, bằng các chính sách dân tộc, các thôn xóm ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Lào Cai đã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Hằng năm, tỉnh Lào Cai ưu tiên dành dành 65-70% tổng vốn đầu tư từ ngân sách đầu tư cho vùng cao, vùng nông thôn, trọng tâm là chương trình nông thôn mới, tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu như, giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề cho con em dân tộc thiểu số để có thu nhập cao hơn./.