Lào Cai: Bảo tồn và gìn giữ các làn điệu dân ca của đồng bào Bố Y
Dân ca của người Bố Y ở huyện Mường Khương từ lâu đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đời sống của cộng đồng mỗi khi lễ Tết, hội hè, nghi lễ, khi khách đến nhà...
Nhờ ngôn ngữ biểu cảm đặc biệt và làn điệu đặc sắc chứa đựng trầm tích và mạch nguồn văn hóa cộng đồng của dân ca mà con người từ khắp mọi phương trời không cùng ngôn ngữ, không chung phong tục, tập quán vẫn có thể rung cảm, đồng điệu, chia sẻ....
Thuộc nhóm dân tộc rất ít người tại Việt Nam, dân tộc Bố Y luôn nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, làm nên nét đẹp riêng trên mảnh đất biên cương Lào Cai.
Hướng con người tới chân-thiện-mỹ
Dân ca Bố Y có lịch sử phát triển lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứng tỏ sức sống lâu bền và có sức hấp dẫn.
Nghệ nhân Dân gian người Bố Y Lồ Lài Sửu, thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, cho biết sớm được hòa mình vào những bài hát ru, điệu múa, điệu giao duyên… của dân tộc Bố Y nên khi lớn lên, bà đã có sẵn niềm đam mê đặc biệt với văn hóa truyền thống.
Bà Sửu cho biết: “Người Bố Y có di sản văn hóa truyền thống rất phong phú song đang dần bị mai một trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Ý thức được điều này, hơn 25 năm qua, tôi đã chủ động sưu tầm những bài dân ca Bố Y từ các bậc cao niên để vừa hát, vừa dịch sang tiếng Việt.”
Với từ ngữ đẹp, mượt mà, sâu lắng trong các làn điệu, dân ca Bố Y góp phần giáo dục con người hiểu biết về cội nguồn dân tộc, hướng con người tới chân-thiện-mỹ, góp phần khích lệ, động viên người dân trong lao động sản xuất.
[Đêm tỏa sáng của các tài năng nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam]
Dân ca của người Bố Y ở huyện Mường Khương từ lâu đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đời sống của cộng đồng mỗi khi lễ Tết, hội hè, nghi lễ, khi khách đến nhà, nam nữ hát giao duyên, trong đám cưới, đi làm nương, làm nhà, đi chợ….
Mỗi khi địa phương tổ chức các chương trình văn nghệ hoặc đi giao lưu ở địa phương khác, bà Sửu thường múa, hát cho đồng bào nghe và được mọi người đón nhận, yêu mến. Để làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc, bà Sửu còn đặt lời mới cho những làn điệu dân ca và biên đạo các điệu múa truyền thống.
Điệu hát của người Bố Y không có nhiều âm điệu, tiết tấu, tất cả đều được hát theo một nhịp đều đều. Các bài hát phổ biến trong cộng đồng như Hát núi, Hát hoa, Hát với cô tiên, Hát mở con mương, Hát cảm tạ trâu thần, Hát giao duyên 12 tháng (gồm 12 bài) từ tháng Giêng đến tháng Mười hai... có câu ngắn, câu dài, cứ một câu gieo vần trắc, một câu gieo vần bằng ở cuối câu.
Đặc biệt, dân ca của người Bố Y thể hiện rõ sự thành kính với người cao tuổi. Vì thế, người dân nơi đây coi trọng người cao tuổi và lễ mừng thọ.
Trong lễ mừng thọ, con cháu hát những lời chúc mừng ca tụng người già, mong người sống lâu trăm tuổi và là tấm gương sáng cho con, cháu. Lời hát của người Bố Y tuy mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng những lời răn dạy con cháu kính trọng người già, bề trên.
Các bài hát giao duyên cũng chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc; trong đó, đồng bào khéo léo sử dụng điệp từ với tần suất cao, không gây nhàm chán cho người nghe, luôn có sự biến đổi, thêm mới về mặt nội dung và từ ngữ. Bên cạnh đó, hát giao duyên cũng vận dụng nhiều biện pháp nghệ thuật tu từ như ẩn dụ, so sánh..., thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu.
Nét đặc sắc của lối hát đối đáp này là những bài tình ca dài với lời ca ngẫu hứng, không trùng lặp, đầy tính sáng tạo và độc đáo. Nội dung thường liên quan đến lao động sản xuất, thăm hỏi, bày tỏ ước mơ về cuộc sống gia đình như các bài: Hỏi cạnh ruộng cạnh nương, Hát hỏi quê hỏi họ, Chín thiếu mười cần, Đêm qua nằm mơ thấy hoa nở….
Ngoài ra, người Bố Y còn có những bài hát phê phán thói hư, tật xấu trong cuộc sống với lời ca mộc mạc, giàu ý nghĩa giáo dục như bài "Chế giễu người ham cờ bạc" nói lên những hậu quả sẽ đến với bản thân và gia đình người đánh bạc. Khi bắt gặp nhóm đánh bạc, phụ nữ Bố Y sẽ đến ngồi gần và hát để cảnh tỉnh người chơi. "Hát như vậy, làm cho người đánh bạc xấu hổ mà phải bỏ đám bạc," Nghệ nhân Dân gian người Bố Y Lồ Lài Sửu cho biết.
Cùng với hát, bà con còn sử dụng một số nhạc khí trong sinh hoạt đời thường như đàn Nhị, đàn Tam, đàn Nguyệt, kèn lá, kèn gỗ, sáo trúc, thanh la... Các nhạc khí này hoặc đệm theo giai điệu các bài hát khi người hát hoặc độc tấu, hòa tấu các bài hát đó. Không chỉ dùng âm nhạc trong sinh hoạt đời thường và trong lễ nghi, phong tục, các sinh hoạt lễ nghi tín ngưỡng của người dân nơi đây như cúng giải hạn, cúng ma... cũng đầy ắp tiếng nhạc. Có thể nói, âm nhạc dân gian của người Bố Y khá phong phú. Người dân yêu nhạc và hầu hết họ ít nhiều đều sử dụng âm nhạc trong cuộc sống.
Nỗ lực bảo tồn
Với những giá trị tiêu biểu, dân ca của người Bố Y được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào năm 2018. Để gìn giữ nét đẹp này, các đơn vị, trường học, ban, ngành, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với người dân và người có uy tín trên địa bàn phục dựng và tạo môi trường diễn xướng để đồng bào ngày càng thêm yêu, tự hào và trân trọng di sản văn hóa này.
Điển hình, Nghệ nhân Lồ Lài Sửu đã thổi làn gió tươi mới, tạo sức sống cho các làn điệu dân ca truyền thống bằng cách đặt lời mới được 15 bài hát với chủ đề: Hát múa mừng Đảng; nhớ ơn Đảng và Bác Hồ; mừng ông trăng; đoàn kết dân tộc; trò chơi cờ, trò đan chân; trồng cây thuốc thơm….
Bà Tráng Minh Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình cho biết: “Nghệ nhân dân gian Lồ Lài Sửu có nhiều công lao trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Bố Y, góp phần đưa những nét đặc sắc của người Bố Y cùng hòa điệu với các dân tộc khác, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.”
Với những đóng góp của mình, năm 2013, bà Sửu đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa;” được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc.
Cũng trong năm 2013, bà Sửu vinh dự được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian. Năm 2015, bà Sửu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình Tráng Minh Hoa cho biết các bài ca được sáng tác giúp làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống, phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Bố Y; đồng thời, còn lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục cao về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình, tham gia xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, các tác phẩm mới đều được mọi người đón nhận, yêu mến.
Trong lộ trình thực hiện "Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Phù Lá, dân tộc Bố Y giai đoạn 2017-2025" theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức hướng dẫn duy trì và phát triển 3 đội văn nghệ dân tộc Bố Y ở huyện Mường Khương.
Các giảng viên Trường Cao đẳng Lào Cai cùng các nghệ nhân hướng dẫn bà con dân tộc Bố Y ở 3 thôn Lao Hầu, Páo Tủng và Cốc Ngù, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, phát triển, nâng cao chất lượng các đội văn nghệ truyền thống với các nội dung: nâng cao kỹ năng dẫn chương trình cho đội văn nghệ; sử dụng các nhạc cụ mới; thành lập, chia nhóm tổ múa, tổ ca, tổ nhạc; phát triển các làn điệu dân ca, điệu múa, điệu nhạc dựa trên chất liệu truyền thống dân tộc Bố Y. Theo đó, 3 đội văn nghệ đã được thành lập, mỗi đội gồm 30 thành viên, xây dựng được 5 tiết mục văn nghệ.
Anh Lùng Tải Phà, cán bộ văn hóa xã Thanh Bình cho biết hiện các đội văn nghệ đã biểu diễn nhuần nhuyễn những tiết mục mới mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc; sẵn sàng tham gia các chương trình giao lưu, biểu diễn, các dịp lễ, Tết, hội nghị của địa phương, góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Bố Y đang có nguy cơ mai một, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Tại thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, Câu lạc bộ Dân ca Bố Y gồm 16 thành viên vừa được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu, học hỏi, gìn giữ và phát triển phong trào hát dân ca trong các tầng lớp nhân dân. Các hội viên thường xuyên tham gia biểu diễn một số tiết mục văn nghệ đặc sắc được dàn dựng công phu với chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.