Lạng Sơn: Kết nối xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Trung Quốc

Trong 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc là 16 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD, tăng 11%.

Quang cảnh Diễn đàn kết nối xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Sáng 3/12, tại tỉnh Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Trung Quốc.

Đây là dịp để doanh nghiệp, người sản xuất, xuất khẩu trao đổi, kiến nghị với các bộ, ngành, cơ quan quản lý của Việt Nam-Trung Quốc những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.

Thị trường lớn

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản quan trọng của Việt Nam.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Đại diện doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất nhập khẩu hàng hóa. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Về xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản, có sự tăng trưởng đều trong năm 2023 và 11 tháng năm 2024 có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 16 tỷ USD (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng đến 29% đến 40% so với cùng kỳ các năm 2020 và 2021); trong đó, xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD (tăng 11%).

Các mặt hàng tăng trưởng mạnh như rau quả xấp xỉ 4,1 tỷ USD, tăng 28,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD tăng 22,3%; thủy sản đạt 1,4 tỷ USD tăng 23,2%.

Hiện tại, Trung Quốc đã cấp phép cho 11 nhà máy sữa và các sản phẩm sữa, 9 doanh nghiệp tổ yến Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc.

Gần đây, khỉ nuôi và cá sấu nuôi cũng có Nghị định thư xuất khẩu vào Trung Quốc. Trung Quốc đã công nhận danh sách 48 loài thuỷ sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Đến nay Trung Quốc công nhận 596 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm vào thị trường Trung Quốc, các mặt hàng phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm 2015 và Luật Kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu của Trung Quốc.

Doanh nghiệp xuất khẩu phải có đủ điều kiện về nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị sản xuất, phòng kiểm nghiệm các chỉ chất lượng cơ bản đối với sản phẩm, nhà xưởng, kho tàng và yêu cầu kỹ thuật có liên quan nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kiểm tra, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Viêt Nam và của Trung Quốc mới được phép cấp mã số doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Châu Binh, Tuần thị viên cấp 2 Chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, kim ngạch thương mại giữa thành phố Sùng Tả và Việt Nam đạt 129,26 tỷ Nhân dân tệ, tăng 8,6% so với cùng kỳ, chiếm 65% tổng kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam; trong đó, trái cây Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích.

Trái cây Việt Nam nhập khẩu qua cửa khẩu thành phố Sùng Tả đạt 710.000 tấn; trong đó sầu riêng Việt Nam nhập khẩu tăng mạnh, đạt 403.000 tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ, chiếm 57,4% tổng lượng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam của Trung Quốc.

Ông Lý Duệ, Phó Thị trưởng, Chính quyền nhân thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Văn Đạt/ TTXVN)

Theo ông Lý Duệ, Phó Thị trưởng, Chính quyền nhân dân thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, hiện nhiều sản phẩm Việt Nam như bánh đậu xanh, kẹo dừa, hạt điều, vải sấy khô, sầu riêng, mít, thanh long được bày bán tại thành phố Nghĩa Ô và nhận được sự yêu mến của người tiêu dùng.

Chính quyền nhân dân thành phố Nghĩa Ô mong rằng cơ quan chức năng hai nước và các địa phương của hai nước sẽ hỗ trợ, phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của hai bên.

Thúc đẩy kết nối giao thương

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh khẳng định diễn đàn là dịp để tỉnh Lạng Sơn, các địa phương và doanh nghiệp, thương nhân trong nước gặp gỡ, giới thiệu và thúc đẩy hợp tác kinh doanh, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản với các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc.

Đây là sự kiện quan trọng giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp, thương nhân, hiệp hội ngành hàng cả hai nước có cơ hội được cung cấp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác doanh nghiệp, nhận diện được khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ; đồng thời đề xuất giải pháp bền vững nhằm thúc đẩy quảng bá, tăng cường tiêu thụ hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Văn Đạt/ TTXVN)

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam thông tin thực hiện tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, hai bên đã nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm “thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước.”

Để thúc đẩy kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam- Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý tháo gỡ vướng mắc về kỹ thuật các sản phẩm nông lâm thủy sản, duy trì phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đảm bảo chất lượng và bền vững.

Các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động đàm phán mở thêm các sản phẩm mới, bổ sung thêm vùng trồng/vùng nuôi, doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; chủ động ứng phó tháo gỡ các vướng mắc trong xuất nhập khẩu nông sản, duy trì và phát triển thị trường.

Đồng thời phổ biến, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc để doanh nghiệp triển khai thực hiện, đáp ứng các quy định về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc; kịp thời nắm bắt và phổ biến các quy định mới về xuất nhập khẩu, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

Cơ quan chức năng và các địa phương tập trung tổ chức lại chuỗi sản xuất theo ngành hàng cụ thể gắn với các vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn; khẩn trương, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương để đảm bảo cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi phục vụ xuất khẩu.

Cùng với đó, cơ quan chức năng và các địa phương chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất; tăng cường sự phối hợp giữa Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản.

Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục quan tâm phát triển thị trường nông lâm thủy sản hai nước, nhất là tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm là lợi thế của các tỉnh giáp biên giới hai nước theo hướng bền vững, chất lượng./.