Làng hoa lớn nhất Nam Định vào vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, cho biết đến nay, trồng hoa được xem là nghề chính của xã này với khoảng 310ha, chủ yếu là cúc, layơn, hoa ly…
Hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, nơi được xem là vựa hoa của tỉnh Nam Định, đang tích cực chăm sóc hoa cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh dịp Tết.
Trên đường đê của xã, thương lái khắp nơi tìm về đây để mua hoa mang đi các chợ đầu mối và đặt hoa dịp Tết.
Ông Vũ Duy Dũng ở thôn Hồng Hà 1 chia sẻ vào đầu tháng 10 Âm lịch, gia đình ông bắt đầu xuống giống 1,2 mẫu (4.000m2) hoa lay ơn cho vụ Tết. Loại hoa này vốn ưa lạnh nên trời càng lạnh cây càng phát triển tốt. Dù vậy, năm nay ít mưa, việc chăm sóc phải dày công hơn. Giá củ giống hoa này khá cao, hơn nữa hoa layơn tốn nhiều công chăm sóc nên hi vọng giá hoa dịp Tết cao hơn mọi năm để người trồng hoa có lãi cao.
Tại làng Hồng Hà, hoa cúc vốn là loại hoa truyền thống, được trồng nhiều hơn cả. Để trồng hoa cho vụ Tết, từ cuối tháng Chín Âm lịch, người dân đã xuống giống cúc. Thời tiết năm nay thất thường, khi nắng ấm, lúc rét sâu, thời điểm cuối tháng 11 Âm lịch, người dân đã tăng cường thắp đèn điện ban đêm bắt cho cây phải “thức” để phát triển, cho thu hoạch đúng thời vụ.
Những năm gần đây, bên cạnh việc trồng hoa truyền thống, nhiều hộ dân trong thôn đã sáng tạo, đưa hoa lên chậu bán cho người dân chơi hoa dịp Tết mang lại thu nhập cao.
Ông Đặng Văn Phương ở thôn Hồng Hà 1 cho biết vụ hoa Tết năm nay ông chuẩn bị 1.000 chậu cúc các loại như cúc màu, cúc đại đóa, cúc gấm Hàn Quốc... với các cỡ chậu khác nhau đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Bình thường, mỗi bông cúc bán tại vườn có giá 1.000-2.000 đồng, nhưng khi trồng cúc vào chậu giá thành cao hơn gấp nhiều lần. Vụ Tết năm ngoái, với các chậu to, gia đình ông bán tại vườn giá 800.000 đồng/chậu, chậu trung bình là 500.000 đồng/chậu, các chậu nhỏ và vừa giá 100.000-200.000 đồng/chậu. Với giá cao, thị trường ưu chuộng, gia đình ông thu về khoảng 200 triệu đồng.
Ông Trần Trọng Chung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tân, cho hay trồng hoa vốn là nghề truyền thống của xã Mỹ Tân. Trước đây, nghề trồng hoa tập trung ở làng Hồng Hà với khoảng 90ha. Đến nay, trồng hoa được xem là nghề chính của xã Mỹ Tân với khoảng 310ha, chủ yếu là cúc, layơn, hoa ly…
Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã đưa các giống hoa mới cho thu nhập cao như phi yến, cát tường vào trồng… Giá trị bình quân ước đạt 720 triệu đồng/ha trồng hoa.
Xác định hoa là cây trồng chủ lực, xã Mỹ Tân đã thực hiện các biện pháp trồng, chăm sóc, bảo vệ các cây hoa theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm.
Các hộ trồng hoa cũng mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, khung giàn thép, ni lông che phủ, kho lạnh bảo quản, áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động, nhỏ giọt và phun sương… đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của cây hoa ít bị tác động tiêu cực của thời tiết.
Nhằm phát triển nghề trồng hoa, Hội Nông dân xã đã khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích, mạnh dạn đưa các giống hoa mới đáp ứng nhu cầu thị trường, cho hiệu quả kinh tế cao vào trồng.
Hội Nông dân cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa cho hội viên. Đồng thời, Hội hỗ trợ vốn vay giúp người dân đầu tư phát triển nghề trồng hoa.
Hiện, hội viên nông dân trong xã đang được hỗ trợ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với tổng dư nợ gần 90 tỷ đồng./.