Lan tỏa không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác

Nhiều địa phương, đơn vị bằng những cách làm cụ thể đã từng bước hình thành và đưa không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu trong cuộc sống của người dân TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là thanh, thiếu nhi.

Triển lãm chuyên đề Hành trình theo chân Bác tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, quận 1. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nhiều tháng qua, cứ vào dịp cuối tuần, anh Trịnh Minh Khang (ngụ Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) lại đưa con gái đang học lớp 2 đến không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang tên “Bác Hồ với thiếu nhi” tại Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh để đọc và tìm hiểu các tài liệu về Bác.

Không gian này được khánh thành vào ngày 19/5/2021, đúng dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Bác với nhiều hạng mục: Không gian thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; không gian thiếu nhi làm theo 5 điều Bác Hồ dạy; không gian triển lãm theo chuyên đề…

Tuy đi vào hoạt động đúng thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát nhưng từ đó đến nay, không gian “Bác Hồ với thiếu nhi” đã dần trở thành một điểm đến thú vị của các em nhỏ.

Anh Minh Khang chia sẻ đến với không gian “Bác Hồ với thiếu nhi,” con gái anh không chỉ được tiếp cận với những nguồn tư liệu quý giá về thân thế và sự nghiệp của Bác mà còn được đọc những vần thơ, những lời căn dặn mà Bác viết riêng cho thiếu nhi, từ đó hiểu, cảm nhận được tư tưởng, nhân cách cao đẹp cùng niềm hy vọng to lớn mà Bác dành cho thế hệ tương lai của đất nước.

Tổng thể không gian được trang bị phương tiện, thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến để thu hút các em thiếu nhi tham quan, học tập. Các em còn được trải nghiệm nhiều câu hỏi trực tuyến sau khi tham quan, qua đó giúp Ban quản lý không gian đánh giá việc tiếp cận thông tin của các em để có sự điều chỉnh kịp thời.

“Là một nhà giáo, tôi luôn mong muốn con gái thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ từ nhỏ để tự rèn luyện bản thân trở thành con ngoan trò giỏi, xứng đáng với kỳ vọng của Bác. Với sự ra đời của các không gian văn hóa Hồ Chí Minh, không chỉ tại Nhà Thiếu nhi Thành phố mà trên khắp các quận, huyện, các cháu thiếu nhi đã có thể tự chủ động tìm hiểu về Người và những lời Bác dạy chứ không cần đợi thầy cô, cha mẹ hướng dẫn như trước. Thông qua không gian, các cháu còn có thể rèn luyện tính tự lập trong học tập, nghiên cứu sách vở và kết thêm bạn mới” - anh Minh Khang cho biết.

[Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời]

Đầu tháng 4/2022, Quận Đoàn quận Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng công trình “Không gian Bác Hồ với thanh niên thiếu nhi” tại Nhà Thiếu nhi quận.

Công trình lập tức trở thành một điểm hẹn mới để thiếu nhi, đoàn viên quận đến gần hơn với Bác. Trong căn phòng rộng 36m2, nhiều thể loại sách viết về Bác Hồ được xếp ngay ngắn trên kệ. Phía trên được trang trí bằng tranh tuyên truyền về gia đình, cuộc đời, sự nghiệp của Bác.

Đặc biệt, một khu vực được dành riêng để trưng bày những hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam, những bức ảnh được đóng khung trang trọng, ghi chú thích rõ ràng để các em thiếu nhi dễ tiếp cận.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Quận Đoàn quận Phú Nhuận Ngô Hải Yến, thông qua công trình này, Quận Đoàn mong muốn tạo một không gian mới để thanh, thiếu nhi Thành phố đến tham quan, giao lưu, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Qua đó, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa của Người thấm sâu vào người dân thành phố, nhất là đối tượng thiếu nhi, đoàn viên, thanh niên.

Để không gian ngày càng thu hút hơn với các bạn trẻ, sắp tới, Quận Đoàn sẽ tổ chức nhiều hoạt động kết nối như các cuộc thi kiến thức, vẽ tranh, tập huấn… cho đội viên, đoàn viên trong quận.

Lan tỏa việc làm theo lời Bác

Song song với việc khánh thành các công trình mới, nhiều đơn vị còn đưa không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến với thanh, thiếu nhi thông qua các hình thức trực tuyến và các trang mạng xã hội. Điển hình như Quận Đoàn Quận 6 tổ chức triển lãm trực tuyến “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” 3D tại trang web “Tuổi trẻ Quận 6.”

Hình ảnh tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ra mắt vào đầu tháng 11/2021 đến nay, triển lãm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” 3D đã thu hút hơn 30.000 lượt tiếp cận và hơn 1.982 đoàn viên, thanh niên tham gia các diễn đàn thảo luận.

Bí thư Quận Đoàn Quận 6 Trần Hải Đoàn cho biết triển lãm ra đời với mong muốn truyền tải những thông tin chính thống, các hình ảnh, thơ, nhạc, tác phẩm văn học, phim tài liệu, quá trình hoạt động cách mạng của Bác gắn với đất nước.

Đồng thời, giúp tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh thiếu nhi Quận 6 phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong mọi lĩnh vực, góp phần cùng địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố chuyển tải không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến người dân bằng chương trình truyền hình “Điều giản dị” diễn ra từ tháng 5 đến tháng 6/2022 theo hình thức trao đổi, tọa đàm.

Chương trình được phát sóng trên khung giờ thời sự của Đài Truyền hình thành phố và công chiếu trên trang Facebook “Tuyên giáo Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh.” Với 4 kỳ phát sóng, chương trình đưa khán, thính giả tiếp cận các vấn đề liên quan đến đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh một cách gần gũi, sâu lắng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Thanh Sơn, thông qua chương trình, Mặt trận Tổ quốc Thành phố mong muốn nâng cao nhận thức các tổ chức chính trị-xã hội và các tầng lớp nhân dân thành phố về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, với lịch phát sóng đồng thời trên truyền hình và trên không gian mạng xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn đưa không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến gần với các bạn trẻ, học sinh, thiếu nhi hơn.

Trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nhiều chương trình phỏng vấn các nhân chứng đã gặp Bác, các chuyên gia nghiên cứu về Người; xây dựng không gian truyền thông, mở chuyên mục, chuyên đề, tọa đàm, phỏng vấn viết bài… về các nội dung liên quan văn hóa Hồ Chí Minh gắn với văn hóa thành phố mang tên Bác.

Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh; đưa các hình ảnh, phóng sự, hoạt động không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên các trang mạng xã hội như YouTube, Zalo, Facebook và các trang tin điện tử; lan tỏa rộng rãi hình tượng của Bác tại các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương cho biết Thành Đoàn sẽ tiếp tục phát triển không gian Bác Hồ với thiếu nhi trở thành kiểu mẫu để tất cả các cơ sở Đoàn, Đội nghiên cứu, xây dựng và hình thành tại từng địa phương, đơn vị.

Sắp tới, Thành Đoàn sẽ hướng đến xây dựng bảo tàng tương tác thông minh, tiếp đó là phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên mạng với hình thức song ngữ Việt-Anh để kiều bào, người nước ngoài cũng có thể tiếp cận thông tin, tư liệu quý về Bác.

Theo chị Phan Thị Thanh Phương, Thành Đoàn chú trọng xây dựng các không gian văn hóa Hồ Chí Minh đa dạng loại hình, tập trung vào không gian mạng để thanh thiếu nhi Thành phố dễ dàng tiếp cận tư liệu về Bác với sự hào hứng và thích thú./.

Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)