Làn sóng hạ lãi suất toàn cầu theo Fed

Theo sau quyết định hạ lãi suất 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong ngày 7/11, nhiều ngân hàng trên thế giới đã giảm lãi suất.

Kiểm tiền USD tại một quầy giao dịch. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 8/11, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản xuống 5%.

Theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ của Hong Kong luôn đồng hành cùng Mỹ, khi đồng HKD neo theo đồng USD trong một biên độ chặt chẽ từ 7,75-7,85 HKD/USD.

Trước đó, ngày 7/11, hầu hết các ngân hàng trung ương của các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã cắt giảm lãi suất chủ chốt.

Tương tự như Hong Kong, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trong khu vực GCC cũng thường theo sát các động thái lãi suất của Fed, vì hầu hết các đồng tiền trong khu vực được neo vào đồng USD.

Ông Vijay Valecha, Giám đốc đầu tư tại công ty môi giới tài chính Century Financial, nhận định việc các nước Vùng Vịnh cắt giảm lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng ở các lĩnh vực nhạy cảm với điều kiện tín dụng, chẳng hạn như bất động sản và chi tiêu trong nước, từ đó tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế rộng lớn hơn.

Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đã hạ lãi suất repo và lãi suất repo đảo ngược thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 5,25% và 4,75%, trong khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng giảm lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 4,65%.

Ngân hàng Trung ương Qatar cũng hạ lãi suất thêm 30 điểm cơ bản, trong khi Ngân hàng trung ương Bahrain giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

Hầu hết các nền kinh tế vùng Vịnh đang triển khai các kế hoạch tham vọng để đa dạng hóa nguồn thu và thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực phi dầu mỏ.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Reuters, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn nhất của GCC dự kiến sẽ tăng tốc vào năm tới nhờ sản lượng dầu tăng, trong khi lạm phát dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm nay và năm sau, với dự báo trung bình dao động từ 0,8- 3,0%.

Kết thúc cuộc họp hai ngày 6-7/11, Fed đã quyết định tiếp tục giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, sau khi các nhà hoạch định chính sách đánh giá thị trường lao động nhìn chung đã nới lỏng và lạm phát tiếp tục tiến tới mức mục tiêu 2%.

Quyết định mới nhất của Fed đã đưa lãi suất chính sách của Mỹ xuống phạm vi 4,50%-4,75%. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Fed đánh giá các điều kiện thị trường lao động nhìn chung đã nới lỏng mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, trong khi hoạt động kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững chắc.

Hiện tại, tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ cho dù tốc độ tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp chững lại trong tháng 10/2024 chủ yếu do tác động tiêu cực của các cơn bão và đình công.

Trước Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 7/11 giảm lãi suất xuống 4,75% sau khi lạm phát trong tháng Chín giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm.

Trước đó, BoE giữ nguyên mức lãi suất 5% tại cuộc họp của MPC trong tháng Chín sau khi giảm lãi suất vào tháng Tám.

Quyết định trong tuần này cho thấy cách tiếp cận thận trọng của BoE trong việc giảm lãi suất khi ngân hàng này cân nhắc các tác động của kế hoạch Ngân sách mùa Thu do Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves công bố tuần trước, theo đó nới lỏng chính sách tài khóa.

Triển vọng này cũng bị ảnh hưởng bởi chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tuần này. Tổng thống đắc cử của Mỹ ủng hộ việc tăng thuế quan, điều mà nhiều nhà kinh tế cho rằng có thể gây lạm phát.

Triển vọng lạm phát khiến các nhà giao dịch giảm kỳ vọng vào việc BoE sẽ giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo của MPC vào tháng tới./.