Làn sóng đình công và biểu tình tại Pháp có dấu hiệu hạ nhiệt

Bộ Nội vụ Pháp cho biết ngày 6/4, khoảng 570.000 người đã xuống đường trong làn sóng biểu tình mới nhất phản đối cải cách chế độ hưu trí, giảm mạnh so với con số 740.000 người của tuần trước.

Người biểu tình tuần hành tại Toulouse, Pháp ngày 23/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Nội vụ Pháp cho biết ngày 6/4, khoảng 570.000 người đã xuống đường trong làn sóng biểu tình mới nhất phản đối cải cách chế độ hưu trí, giảm mạnh so với con số 740.000 người của tuần trước.

Tuy nhiên, con số được công bố chính thức thấp hơn so với con số mà các nhà tổ chức biểu tình đưa ra. Nghiệp đoàn CGT cho biết 400.000 người đã biểu tình tại Paris trong khi bộ trên thống kê chỉ 93.000 người.

Các cuộc biểu tình đã được tổ chức trên khắp nước Pháp, từ thủ đô Paris đến các thành phố miền Nam Montpellier và Marseille. Đáng chú ý, tại Paris, những người biểu tình quá khích đã phóng hỏa La Rotonde – một trong những nhà hàng Tổng thống Emmanuel Macron hay lui tới, và xâm nhập một tòa nhà văn phòng và tấn công cảnh sát.

Sở cảnh sát Paris cho biết một số sĩ quan bị thương, song không nêu con số cụ thể. Tại thành phố miền Tây Nantes và thành phố miền Đông Nancy, những người biểu tình cũng ném đá vào cảnh sát và phóng hỏa một chi nhánh của ngân hàng trung ương Pháp.

Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết cảnh sát đã bắt giữ 111 người trên cả nước và 154 cảnh sát đã bị thương, trong đó có một số người bị thương nặng.

Các nghiệp đoàn trước đó dự kiến tiến hành cuộc bãi công quy mô lớn ngày thứ 11 kể từ tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, phong trào biểu tình có dấu hiệu đi xuống. Hệ thống tàu điện ngầm của Paris ít bị gián đoạn và chỉ 25% số chuyến tàu cao tốc trên cả nước bị hủy. Theo Bộ Giáo dục, chỉ 8% số giáo viên tại các trường đình công.

Bãi công và biểu tình tiếp diễn sau khi cuộc đàm phán giữa đại diện cho 8 nghiệp đoàn chính tại Pháp với Thủ tướng Elisabeth Borne trong ngày 5/4, vốn được cho là nỗ lực cuối cùng để giải quyết những mâu thuẫn về cải cách chế độ hưu trí, đã thất bại. Các nghiệp đoàn đề nghị rút lại dự luật trong khi Thủ tướng Borne khẳng định duy trì dự luật.

[Đàm phán thất bại, các nghiệp đoàn Pháp kêu gọi tiếp tục đình công]

Đầu năm nay, Thủ tướng Borne đã công bố chi tiết kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, theo đó tuổi nghỉ hưu nâng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030, cũng như áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu.

Cũng theo kế hoạch này, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ. Kể từ đó đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình và đình công thu hút nhiều người tham gia.

Hầu hết các cuộc biểu tình đều diễn ra trong hòa bình nhưng tình hình trở nên căng thẳng hơn khi chính phủ vận dụng một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp để thông qua dự luật tại Hạ viện mà không cần các nghị sĩ bỏ phiếu hồi trung tuần tháng trước.

Theo kế hoạch, Hội đồng Hiến pháp Pháp sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về cải cách chế độ hưu trí vào ngày 14/4 tới, "cửa ải" sau chót trước khi kế hoạch cải cách này được ký thành luật./.

Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)