Lần đầu tổ chức lễ hội tôn vinh giá trị của hòa bình tại Quảng Trị
Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; xây dựng Quảng Trị trở thành điểm đến vì hòa bình, nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu hòa bình.
Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 có chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” sẽ chính thức khai mạc tối 6/7 tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.
Tại buổi họp báo thông tin về Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 diễn ra ngày 31/5 tại Hà Nội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức, Ban tổ chức cho biết đây là lễ hội mang thông điệp hòa bình lần đầu tiên được tổ chức ở Quảng Trị, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; xây dựng Quảng Trị trở thành điểm đến vì hòa bình, nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình.
Chương trình nghệ thuật khai mạc có sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ trình diễn trên sân khấu âm nhạc, thực cảnh kết hợp đa không gian trên bờ và dưới sông, kết nối hai trục Bắc-Nam của sông Bến Hải qua cầu Hiền Lương lịch sử.
Chương trình là điểm nhấn để tôn vinh, gắn kết giá trị của hòa bình, làm nổi bật ý nghĩa của lễ hội.
Phát biểu tại họp báo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Nơi đây từng được xem là “chiến địa,” “trấn biên,” "phên dậu” và 3 lần được chọn làm thủ phủ của đất nước.
Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, Quảng Trị là nơi gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh.
Ông Võ Văn Hưng nêu rõ ở vùng “đất thiêng đã nở đóa hoa hòa bình,” Quảng Trị đã hồi sinh và vươn lên trên tro tàn đổ nát của chiến tranh, trong thế giới hòa bình và hội nhập.
Quảng Trị ấp ủ Đề án tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình từ 5 năm trước nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình; tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc, tưởng niệm nạn nhân chiến tranh; truyền đi thông điệp yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, kêu gọi nhân loại chung tay xây dựng nền hoà bình bền vững trên thế giới.
Lễ hội diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Geneve (20/7/1954 - 20/7/2024), 77 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Đây cũng là là sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế trong giai đoạn 2024-2025.
Trong khuôn khổ lễ hội gồm chuỗi hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, tạo điểm nhấn cảm xúc “mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị” - mảnh đất đã trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình, sự hàn gắn và hồi sinh.
Trong đó có Ngày hội Đạp xe vì hòa bình (ngày 29-30/6) tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 vận động viên tham dự.
Cùng với đó là Lễ hội Văn hóa-Ẩm thực “Hương vị miền hoa nắng” (từ ngày 12 - 14/7) tại khu du lịch biển Cửa Việt, huyện Gio Linh; đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Khúc ca hòa bình” và giao lưu âm nhạc quốc tế.
Chương trình “Ước nguyện hòa bình” sẽ diễn ra tối 26/7 với lễ viếng (Thành cổ Quảng Trị); Đại lễ cầu siêu (Quảng trường Giải phóng) và Lễ hoa đăng (bờ Nam sông Thạch Hãn).
Ngoài ra còn có nhiều hoạt động hưởng ứng như chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17-Khát vọng hòa bình” do Báo Nhân dân thực hiện tối 19/7. Giải Chạy Marathon “Hành trình về đất lửa” từ ngày 15-16/6; Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam; các giải thể thao quốc gia, Hội chợ thương mại quốc tế “Nhịp cầu xuyên Á”…
Lễ hội Vì Hòa bình sẽ là một lễ hội mở, chỉ có ngày khai mạc với chuỗi nhiều hoạt động, không có ngày bế mạc.
Ban Tổ chức kỳ vọng đây sẽ là một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới, riêng có, do Quảng Trị khởi xướng, cộng đồng cùng chung tay kiến tạo giá trị.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức công bố bộ nhận diện của Lễ hội với hình tượng chủ đạo là chim bồ câu ngậm bông lúa, thể hiện khát vọng hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
Ba dải lụa (đỏ, vàng, xanh) hòa quyện, nâng cánh chim bồ câu mang theo khát vọng hòa bình, phát triển hùng cường của Việt Nam vươn ra thế giới.
Hình tượng chủ đạo với logo tỉnh Quảng Trị được thể hiện trên nền trời xanh hòa bình, hình ảnh lá cờ đỏ hiên ngang tung bay trên kỳ đài Di tích Quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải và Di tích Quốc gia Đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
Bên cạnh đó, bộ nhận diện còn có hình ảnh dòng sông, cánh đồng lúa, những mái nhà, cánh đồng điện gió thể hiện sự hồi sinh và phát triển của mảnh đất, con người Quảng Trị./.