Làm thế nào để phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ mới?
Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm cho rằng hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế-xã hội .
Diễn đàn Kinh tế Thể thao Việt Nam 2024 do Công ty Vietcontent tổ chức với sự đồng hành của Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Ủy ban Olympic Việt Nam, đã diễn ra sáng 17/10, tại Hà Nội.
Sự kiện có sự tham gia của khoảng 200 khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, đơn vị tổ chức giải thể thao chuyên nghiệp và phong trào, các đơn vị đài truyền hình và công ty hoạt động trong lĩnh vực bản quyền thể thao, kinh doanh trong lĩnh vực thể thao.
Tiếp nối thành công năm 2023, Diễn đàn Kinh tế Thể thao năm 2024 (Vietnam Sport Economic Forum 2024) tiếp tục là nơi để các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung thảo luận, chia sẻ các quan điểm chuyên sâu và toàn diện về các vấn đề liên quan đến quản lý, phát triển nền kinh tế thể thao tại Việt Nam nhằm tìm kiếm những giải pháp để phát triển một nền thể thao chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững.
Với chủ đề "Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ mới," diễn đàn gồm 3 phiên thảo luận.
Phiên thứ nhất "Tạo lập môi trường pháp lý để phát triển kinh tế thể thao" đánh giá môi trường pháp lý hiện nay, những thuận lợi, khó khăn của các cơ quan, tổ chức trong triển khai các hoạt động thể dục thể thao, tiến tới đề xuất kiến tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động kinh tế thể thao. Đồng thời, phát huy tối đa của khu vực ngoài công lập trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của thể dục thể thao theo tinh thần Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 31/1/2024.
Các nội dung chính được thảo luận bao gồm các vấn đề pháp lý xung quanh việc quản lý, tổ chức các hoạt động thể thao trong nước và quốc tế (cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan); vai trò của các hội thể thao quốc gia đối với hoạt động thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, thể thao phong trào; chính sách quản lý, sử dụng cơ sở hạ tầng thể thao nhằm phát huy nguồn lực tại chỗ và khuyến khích các hoạt động thể dục thể thao phát triển.
Chia sẻ tại diễn đàn, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm cho rằng thể dục thể thao từ việc hoàn toàn được bao cấp bởi nhà nước đến nay đã từng bước được xã hội hóa. Một số môn thể thao chuyển dần sang cơ chế thể thao chuyên nghiệp, vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể dục thể thao ngày càng được nâng cao.
Các hoạt động thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên trong các đối tượng, ở các vùng miền của đất nước đã và đang thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân. Hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Phiên thảo luận 2 về "Tác động kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn đối với địa phương, đơn vị đăng cai."
Hiện nay, các sự kiện thể thao quy mô lớn tiếp tục được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới và đã minh chứng đem lại nhiều nguồn lợi từ hoạt động này.
Các nội dung chính được thảo luận về: vị thế chủ nhà-lợi ích và thách thức; làm thế nào để đăng cai một sự kiện thể thao lớn; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quyết định đăng cai một sự kiện thể thao lớn (nhận thức, chính sách, sự ủng hộ...); lợi ích thương mại lâu dài từ việc phát triển thương hiệu địa phương thông qua các hoạt động, sự kiện thể thao.
Trình bày về hiệu ứng của các sự kiện thể thao lớn, diễn giả Oh Yeong Woo, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Hàn Quốc cho rằng việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn giúp nâng cao thương hiệu, năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy hội nhập và niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy năng lực quốc tế hóa và tăng cường năng lực đối ngoại. Bên cạnh đó, các sự kiện thể thao lớn có tác động lan tỏa về mặt kinh tế, tạo nhiều hiệu ứng tích cực, đa dạng...
Với việc đăng cai và tổ chức thành công Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018, Hàn Quốc thúc đẩy sự phát triển cân bằng của quốc gia bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận ở khu vực Yeongdong kém phát triển và nhảy vọt lên thành cường quốc về các môn thể thao mùa Đông, ông Oh Yeong Woo chia sẻ.
Phiên thảo luận 3 hướng đến “Khai thác giá trị thương mại và lợi ích xung quanh một giải thi đấu thể thao." Việc tổ chức một giải đấu thể thao mang lại nhiều lợi ích đa dạng, không chỉ cho các vận động viên và người hâm mộ, còn cho cả cộng đồng và nền kinh tế.
Các nội dung chính được thảo luận bao gồm sự tham gia, tiêu dùng của người hâm mộ thông qua giải đấu; cách tiếp cận, các điều kiện cần và đủ, lợi ích đem lại từ quyền phát sóng và dịch vụ trực tuyến; những bài học từ C1 - giải bóng đá cấp câu lạc bộ lớn nhất thế giới./.