Làm thế nào để ngăn chặn vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng?
Theo bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ, chưa bao giờ vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên Nền tảng Số gióng lên hồi chuông báo động như hiện nay.
Cùng với tác động tích cực, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cũng kéo theo gia tăng tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng trong lĩnh vực xuất bản.
Để có thể từng bước kiểm soát, ngăn chặn hành vi vi phạm, cần thiết thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề vi phạm bản quyền, đến thực hiện các chế tài xử phạt vi phạm đủ tính răn đe.
Gia tăng vi phạm bản quyền trên không gian mạng
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhìn nhận sự phát triển như vũ bão của internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ số, đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền, các đơn vị xuất bản truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn.
Trong bối cảnh đó, khi năng lực quản lý nhà nước, năng lực quản trị của doanh nghiệp, nhà xuất bản và ý thức bảo vệ bản quyền của người sử dụng còn hạn chế, tình trạng vi phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Các hành vi vi phạm về bản quyền số trên không gian mạng ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát. Một trong những hình thức phổ biến là bán sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội.
Nhiều cá nhân, tổ chức còn sử dụng các trang web, ứng dụng OTT được cấp phép, các trang web đăng ký tên miền và đặt sever ở nước ngoài, các ứng dụng OTT lậu để cung cấp sản phẩm sách số vi phạm bản quyền; lợi dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.
Vấn nạn vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng đã khiến các đơn vị xuất bản, phát hành gặp không ít khó khăn, thách thức.
Theo bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ, chưa bao giờ vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên Nền tảng Số gióng lên hồi chuông báo động cho cả lực lượng chức năng cũng như các đơn vị, cá nhân liên quan như hiện nay.
Ở lĩnh vực xuất bản, loại hình xâm phạm bản quyền nhiều nhất là các tác phẩm văn học và mỹ thuật. Các hành vi xâm phạm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, các trang mạng xã hội, các ứng dụng di động; bán sách lậu thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử; phát sóng trực tiếp (livestream) đọc sách trên mạng xã hội, hoặc tóm tắt, đánh giá (review) sách.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty sách Thái Hà, nhận định vấn nạn vi phạm bản quyền sách số tại Việt Nam hiện nay còn rất phổ biến và có sự gia tăng. Nếu như năm 2011-2012, chỉ một số cuốn sách của Thaihabooks bị sao chép trên mạng bằng hình thức phát tán bản scan, file PDF thì đến nay, hơn 70% sách điện tử của đơn vị này vừa phát hành trên hệ thống đã bị các đơn vị khác làm lậu.
[ABPA muốn góp phần ngăn chặn vi phạm bản quyền sách ở không gian mạng]
Bên cạnh việc phát tán các phiên bản sách điện tử, sách nói trên mạng, các đơn vị bán sách giả còn lập các trang bán sách, lấy thông tin sách mạo danh các đơn vị xuất bản để giới thiệu tư vấn sách cho độc giả; hoặc ngang nhiên sao chép nội dung giới thiệu sách, chương trình bán bán sách từ các trang web chính thống, sau đó điều chỉnh một số nội dung thông tin (logo, tên công ty, email và số tài khoản) nhằm phục vụ cho hoạt động thương mại trái phép trên không gian mạng.
Ở góc độ tác giả, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng theo mức độ xảy ra của các hành vi vi phạm, sách giả, sách lậu đã có thể gọi là “quốc nạn,” nó giống một thứ virus, một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng.
"Không ít lần trong những buổi giao lưu, ký tặng bạn đọc, tôi nhận ra sách mà các em cầm trên tay chờ được ký tặng là sách giả, sách lậu. Nhưng chính các em cũng không biết điều này. Tôi hy vọng các nhà thực thi luật pháp nghiêm minh hơn và các nhà làm luật cần phải rà soát lại hành lang pháp lý để điều chỉnh khung hình phạt đối với các đơn vị làm sách giả, sách lậu sao cho đủ sức răn đe," nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ.
Đồng bộ giải pháp
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu Trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan; ký kết, tham gia nhiều hiệp định, điều ước quốc tế có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan.
Việt Nam cũng xây dựng hệ thống thiết chế quản lý và bảo hộ bản quyền cả ở Trung ương và địa phương. Cùng với đó, nhiều hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia vào hỗ trợ doanh nghiệp và tác giả bảo vệ bản quyền. Dẫu vậy, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn khá phức tạp, do những thách thức mới của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng liên tục gia tăng được kể đến đó là xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Mặt khác, các hành vi xâm phạm quyền tác giả này còn được tiếp tay bởi nhiều người dùng khi họ đọc, xem các bản sao chép lậu trên mạng.
Thực tế, việc các trang bán sách lậu, sách giả, kém chất lượng xuất hiện phổ biến trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, việc xác định và xử lý chủ thể vi phạm lại gặp nhiều khó khăn.
Bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ kiến nghị, Nhà nước cần có quy định rõ về cách thức, cơ chế quản lý người dùng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; quy trách nhiệm cho sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc bảo đảm chất lượng, nguồn gốc của các hàng hóa và độ tin cậy của nhà cung cấp hàng hóa.
Cùng với đó, cần xây dựng một cơ chế phối hợp chung giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, các nhà mạng với các đơn vị xử lý các vấn đề vi phạm bản quyền một cách nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời cần có chế tài, xử lý thật nặng đối với những hành vi xâm phạm bản quyền đã bị phát hiện.
Trong "cuộc chiến" chống vấn nạn xâm phạm bản quyền, không thể không chú trọng đến giải pháp tăng cường ý thức về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty sách Thái Hà cho rằng kinh nghiệm từ các nước cho thấy bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý và thực thi nghiêm các quy định pháp luật liên quan, việc bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng cần sử dụng các giải pháp công nghệ.
Một số công nghệ kiểm soát, ngăn chặn vi phạm bản quyền đang được áp dụng hiện nay như: Công nghệ phát hiện nguồn phát tán nội dung (Finger Print Online), công nghệ quản lý bản quyền nội dung số DRM (Digital Rights Management), công nghệ đóng dấu bản quyền…
Ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng chính là bảo vệ quyền tác giả, giá trị, công sức của việc sáng tạo giá trị tri thức và cũng chính là bảo vệ bạn đọc.
Góp phần đẩy lùi vấn nạn này trong thời gian tới, các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến thực thi nghiêm các quy định liên quan đến nâng cao nhận thức trong cộng đồng về vấn đề bảo vệ bản quyền, nhận diện sách giả.../.