Làm thế nào để khôi phục vị thế cạnh tranh cho con tôm Việt?
Các chuyên gia ngành tôm thế giới cho rằng nếu tình hình tiêu thụ trong nửa cuối năm tốt lên thì dự kiến sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn sụt giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Việc tiêu thụ giảm đã tác động lớn đến con tôm Việt Nam từ đầu năm 2023 cho đến nay. Thêm vào đó, các tiêu chí của người tiêu dùng đặt ra cho con tôm ngày càng cao, mỗi sản phẩm nông nghiệp đều phải đảm bảo yếu tố minh bạch, an toàn cho môi trường và giảm phát thải đã khiến cho mức tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng, trong đó có con tôm.
Các chuyên gia ngành tôm Việt Nam đã tìm nhiều giải pháp để khôi phục vị thế cạnh tranh của con tôm Việt hiện nay.
Tìm cách giảm giá thành
Dẫn chứng sự chênh lệch giá thành sản xuất tôm của Việt Nam so với Ecuador và Ấn Độ, tiến sỹ Trần Hữu Lộc, Giảng viên Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ chi phí sản xuất mỗi kg tôm (50 con/kg) của Ecuador là 2,2-2,4 USD; Ấn Độ là 2,7-3 USD trong khi Việt Nam là 3,5-4,2 USD.
Trong khi đó, hai quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất nhì thế giới lại có kỹ thuật nuôi tôm thả thưa, không theo mật độ dày đặc như người nuôi tôm Việt Nam đang áp dụng. Cụ thể, Ecuador nuôi tôm có mật độ thả giống 12-17 con/m2, Ấn Độ là 30-50 con/m2, trong khi Việt Nam thả nuôi mật độ 120-500 con/m2.
Cũng theo tiến sỹ Trần Hữu Lộc, chính mật độ thả nuôi dày đặc này làm cho con tôm không có đủ diện tích sinh trưởng, dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao nên không mang lại lợi ích kinh tế cho người nuôi.
Thêm vào đó, một trong những nguyên nhân khiến cho phí sản xuất cao là thiết kế ao nuôi, trang trại phức tạp, gia tăng chi phí khấu hao. Do vậy, để góp phần giảm giá thành, cần thiết kế trang trại đơn giản hơn, rút ngắn chuỗi cung ứng, giảm mật độ thả giống và có chương trình quản lý rủi ro, bệnh tật tốt hơn…
Đồng ý kiến với tiến sỹ Trần Hữu Lộc, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Minh Phú cho biết với kỹ thuật nuôi tôm thả mật độ cao, chất lượng con giống chưa như mong muốn dẫn đến việc doanh nghiệp bắt buộc phải dùng kháng sinh trong quá trình nuôi tôm.
Chi phí kháng sinh đẩy giá thành sản xuất tôm tăng lên, cũng là yếu tố khiến cho con tôm giảm khả năng cạnh tranh khi tham gia vào các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là "thị trường khó tính."
Trong khi đó, các doanh nghiệp không thể giảm giá thu mua tôm nguyên liệu nên giá bán ra vẫn cao hơn so với các quốc gia khác.
[Quản lý tôm giống quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm]
Ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi tôm Năng suất cao Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, cho biết các loại vật tư đầu vào, thuốc, thức ăn ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi và đây cũng là những mặt hàng tăng nhiều nhất trong những năm gần đây.
Trong năm 2022, riêng thức ăn nuôi tôm đã có đến 4 lần tăng giá và 6 tháng đầu năm 2023 này lại tiếp tục tăng thêm 2 lần. Không chỉ vậy, giá các loại hóa chất cũng tăng làm cho giá thành sản xuất tôm đội lên cao.
Tận dụng mọi lợi thế
Trước viễn cảnh không nhiều khả quan của thị trường tiêu thụ tôm, các chuyên gia ngành tôm đã tìm mọi biện pháp để thúc đẩy con tôm phát triển, giúp người nuôi trụ được với nghề, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do biến động kinh tế.
Gần đây nhất, tại Hội thảo chuyên ngành tôm diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia ngành tôm thế giới cho rằng nếu tình hình tiêu thụ trong nửa cuối năm tốt lên thì dự kiến sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn sụt giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Willem van der Pijl, một chuyên gia quốc tế hàng đầu trong ngành tôm, nhà sáng lập Shrimp Insights, dựa trên các số liệu về xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt khoảng 320.000 tấn.
Năm nay, Việt Nam và tất cả các quốc gia cung cấp tôm đều bị giảm khối lượng xuất khẩu tôm sang Mỹ. Đối với thị trường Trung Quốc, cũng khó duy trì tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19.
Ông Jesper Clausen, Giám đốc Toàn cầu về Dinh dưỡng và Hỗ trợ Thủy sản của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) chia sẻ ước tính, tổng sản lượng tôm nuôi toàn cầu năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,3 triệu tấn, tăng 5% so với năm trước.
Sản lượng tôm nuôi từ đầu năm đến nay của một số quốc gia hàng đầu về ngành tôm như Ecuador đã tăng 14%, Ấn Độ tăng 2%, Thái Lan giảm 9%, Indonesia giảm 13%. Đáng chú ý, sản lượng của Việt Nam giảm đến 32% cũng bởi mức tiêu thụ của thế giới giảm mạnh trong hai năm trở lại đây, tác động đến giá tôm trong nước. Người nuôi giảm lợi nhuận nên cũng giảm diện tích thả nuôi so với trước đó.
Chính vì những biến động này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm buộc phải tận dụng mọi lợi thế về chất lượng của con tôm Việt Nam, đa dạng sản phẩm chế biến cũng như đa dạng loại hình sản phẩm, tận dụng các hiệp định thương mại tự do để có thể tăng cường xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp phải tăng cường các sản phẩm thế mạnh như sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng; có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp; đồng thời tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định EVFTA để xuất khẩu vào thị trường này.
Thị trường Trung Quốc hiện đang chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường này, các doanh nghiệp cần linh động hình thức xuất khẩu, lựa chọn cách thức thanh toán phù hợp.
Để xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,6 tỷ USD trong năm 2023, trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm lợi thế là tôm sú, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào Trung Quốc, tăng xuất các sản phẩm tôm có giá trị gia tăng vào thị trường EU, tận dụng lợi thế từ EVFTA, ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh./.