Làm rõ hơn các quy định chế độ bảo hiểm với người lao động nghỉ thai sản, ốm đau
Tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH(sửa đổi), một số đại biểu đã thảo luận về chế độ bảo hiểm đối với người lao động nghỉ thai sản, ốm đau.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày 27/5 để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trong phiên thảo luận, một số đại biểu tham gia thảo luận về chế độ bảo hiểm đối với người lao động nghỉ thai sản, ốm đau.
Làm rõ quy định về chế độ trợ cấp ốm đau
Về thời gian hưởng chế độ ốm đau tại Điều 44 của dự thảo Luật, Khoản 2 quy định hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại Khoản 1 của Điều này mà vẫn tiếp tục điều trị thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.
Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) kiến nghị Ban soạn thảo quy định rõ “mức thấp hơn” như thế nào. Bởi tại Khoản 1, Điều 44 đã quy định cứng là 2 mức người lao động được hưởng chế độ ốm đau và đồng thời tại Khoản 2, Điều 46 cũng quy định cứng 3 mức được hưởng là 50, 55 và 60% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động ốm đau.
Do vậy, theo đại biểu, nếu quy định mức thấp hơn mức so với Khoản 1, Điều 44 hoặc Khoản 2, Điều 46 thì cần phải được quy định cụ thể mức đó là bao nhiêu để cơ quan thực thi luật không bị lúng túng và vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Về mức hưởng chế độ ốm đau tại Điều 46, khoản 5 quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày tính bằng một nửa mức trợ cấp ốm đau một ngày khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ dưới nửa ngày được tính là nửa ngày, từ nửa ngày trở lên sẽ được tính là 1 ngày.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) đề nghị cần có quy định cụ thể cách xác định thời gian nửa ngày để tính hưởng chế độ ốm đau và làm việc theo quy định của pháp luật về lao động hay tính theo 24 giờ, đặc biệt đối với trường hợp người lao động làm việc theo chế độ 12 giờ trên một ca.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết tại Điều 47 của dự thảo Luật về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau có những từ ngữ vẫn chưa rõ ràng như: nghỉ 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa hồi phục, 7 ngày đối với người chưa hồi phục sau thời gian phẫu thuật…
Đại biểu đánh giá quy định này vẫn còn mơ hồ, nên để cho các nhà chuyên môn có quyết định theo từng trường hợp cụ thể.
Tại Điều 53, đối với việc khám thai, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng nên chia ra thành 2 nhóm là thai bình thường và thai bệnh lý và tại Điều 54, chưa có cơ sở phân chia tuổi thai. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại hai điều này.
Tại mục 1, khoản c, Điều 74 quy định đối tượng được rút bảo hiểm xã hội một lần là người đang mắc một trong những bệnh như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị bỏ khoản này vì có một số bệnh có thể điều trị được dứt điểm và người lao động có thể quay lại lao động bình thường.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức cũng cho biết những khái niệm trên chưa cập nhật kiến thức y khoa, nếu đưa vào Luật là không phù hợp. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị bỏ khoản này và đối với từng trường hợp nên xác định khả năng lao động và khả năng lao động do Hội đồng giám định y khoa xác định.
Đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt cho phụ nữ lao động
Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ sinh tại Điều 55, khoản 3 quy định nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên bị chết thì người mẹ được nghỉ việc 2 tháng tính từ ngày con chết là quá ít.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị dự thảo luật cần nâng mức thời gian mẹ được nghỉ việc từ 2 tháng lên 3 tháng nếu con từ 2 tháng trở lên bị chết, để đảm bảo sức khỏe, quyền lợi lao động của nữ khi sinh con.
Cùng thảo luận về điều kiện hưởng chế độ thai sản, đại biểu Đỗ Đức Hiền (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết kế thừa Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, dự thảo luật, tại Điều 52 quy định lao động nữ khi sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 - 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con mới đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, thực tế hiện nay có tình trạng người lao động bị hiếm, muộn và nhiều trường hợp phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị cho cả hai vợ chồng.
Việc điều trị hiếm, muộn thường tốn kém về chi phí, thời gian. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành thì người lao động không làm việc, không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó và thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
“Quy định nêu trên của luật dẫn đến thực trạng là để đáp ứng yêu cầu điều trị hiếm muộn, lao động nữ sẽ bị gián đoạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội do phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày trong tháng và kéo dài trong nhiều tháng, do đó không đáp ứng được điều kiện đóng từ đủ 3 đến 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Hệ quả là họ không được hưởng chế độ tài sản khi sinh con, mặc dù trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhiều năm liên tục. Mặt khác, do sức ép về kinh tế, có nhiều trường hợp lao động nữ muốn đi làm sớm để có thu nhập nhưng không được giải quyết do chưa đủ thời gian nghỉ sau sinh tối thiểu theo quy định, trong khi họ không được hưởng chế độ tài sản, như vậy là rất thiệt thòi. Đó là chưa kể đến thời gian nghỉ sinh con trong trường hợp này cũng không được tính là thời gian công tác,” đại biểu lưu ý.
Tham gia ý kiến về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết tại Điều 53 khoản 1 quy định: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho 1 lần khám thai.”
Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế qua tiếp xúc cử tri là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, có nhiều ý kiến đối với nội dung này khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sỹ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành và dự thảo Luật quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần. Nếu thai phát triển trong điều kiện bình thường, còn nếu thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày... phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi.
“Như vậy, thời gian quy định như dự thảo Luật và Luật hiện hành chỉ được nghỉ không quá 5 lần là quá thấp đối với những trường hợp thai phát triển không bình thường,” đại biểu nhấn mạnh.
Để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt cho phụ nữ lao động đang mang thai yên tâm làm việc, đại biểu đề nghị cũng cần nên xem xét, quy định lựa chọn có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9-10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt./.