Lạm phát tại Singapore xuống mức thấp nhất trong 18 tháng
Các nhà kinh tế cho rằng triển vọng lạm phát của Singapore vẫn không chắc chắn do xung đột ở Trung Đông có thể đẩy giá năng lượng tăng cao và kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh hơn.
Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), giá tiêu dùng cơ bản tháng 9/2023 ở nước này đã tăng chậm lại tháng thứ năm liên tiếp.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng triển vọng lạm phát của Singapore vẫn không chắc chắn do xung đột ở Trung Đông có thể đẩy giá năng lượng tăng cao và kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh hơn.
[Thủ tướng Singapore tin tưởng sẽ tránh được suy thoái kinh tế]
Theo số liệu chính thức mới công bố, lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí đi lại và chỗ ở cá nhân, chỉ số phản ánh chính xác hơn chi phí của các hộ gia đình Singapore, trong tháng Chín tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong 18 tháng.
Xu hướng giảm lạm phát cơ bản chủ yếu do giá nhập khẩu giảm dẫn đến giá hàng hóa và thực phẩm giảm, cùng với thị trường lao động nới lỏng.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (ngân hàng trung ương - MAS) dự kiến lạm phát cơ bản của nước này sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 3% vào tháng 12 tới.
Tuy nhiên, lạm phát tổng thể của Singapore trong tháng 9 tăng lên 4,1%, tăng nhẹ so với mức 4% trong tháng trước đó, chủ yếu do chi phí vận tải cá nhân cao hơn.
MTI dự kiến lạm tổng thể có thể sẽ tăng hơn nữa trong những tháng tới do phí quyền sở hữu xe ôtô (COE) cao hơn, ở mức trung bình khoảng 5% cho cả năm 2023 và 3-4% cho năm 2024.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, vào đầu năm 2024, lạm phát cơ bản của Singapore sẽ bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ cũng như các hiệu ứng theo mùa như tăng thuế carbon vào tháng 1/2024 cũng như các đợt tăng giá khác như phí nước và phí giao thông công cộng.
Tuy nhiên, lạm phát tổng thể sẽ có xu hướng giảm nhẹ trong năm 2024, do lạm phát vận tải tư nhân sẽ giảm dần cùng với sự gia tăng hạn ngạch COE, đồng thời lạm phát nhà ở cũng được dự báo sẽ giảm bớt khi nguồn cung nhà ở hoàn thiện tăng lên.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng động lực lạm phát vẫn đang thay đổi liên tục, do những diễn biến mới nhất ở Trung Đông làm tăng thêm sự bất ổn đối với giá năng lượng.
MTI và MAS đã ghi nhận những rủi ro lạm phát tăng từ những cú sốc mới đối với giá hàng hóa thực phẩm và năng lượng toàn cầu do xung đột địa chính trị và các hiện tượng thời tiết bất lợi./.