Làm gì để phòng tránh những biến chứng của bệnh ho gà ở trẻ nhỏ?
Bệnh ho gà do vi khuẩn Bordetella Pertussis thuộc họ Bordetella gây ra, là bệnh lý nguy hiểm, gây biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, bệnh não do thiếu oxy, đe dọa tính mạng trẻ.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình bệnh sởi, ho gà tại một số tỉnh, thành phố đang có diễn biến phức tạp.
Ngày 12/7, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các ngành; Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học tăng cường phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, ho gà trong cơ sở khám chữa bệnh; các đơn vị y tế dự phòng giám sát phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới, tiến hành điều tra, xác định nguồn lây, tổ chức khoanh vùng, xử lý khi có ổ dịch sởi, ho gà.
Ho gà là bệnh gì?
Ho gà (Whooping Cough) là một trong những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn gây ra. Sau khi xâm nhập vào đường hô hấp trên, vi khuẩn ho gà bám chặt vào lông mao, sau đó giải phóng độc tố khiến nên tình trạng sưng viêm ở khu vực này.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm trên thế giới có khoảng 30-50 triệu trường hợp mắc bệnh ho gà, trong đó có đến 300.000 ca tử vong. Đáng nói là, phần lớn ca tử vong là trẻ nhỏ, nhất trẻ dưới 1 tuổi.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh ho gà khi được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân thường có đáp ứng tốt với thuốc và có dấu hiện cải thiện hoàn toàn chỉ sau 5 ngày, nhưng nếu bệnh phát hiện chậm trễ, bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng, gây suy hô hấp với nguy cơ tử vong cao.
Nguyên nhân gây bệnh ho gà
Vi khuẩn Bordetella Pertussis thuộc họ Bordetella là tác nhân gây nên bệnh ho gà. Đây là một dạng trực khuẩn có hai đầu nhỏ, kích thước rất nhỏ, không di động, gram âm.
Nghiên cứu cho thấy, loại vi khuẩn này phát triển nhanh chóng trong môi trường Bordet-Gengou có thành mạch máu và một số lạc khuẩn điển hình. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh ho gà có sức đề kháng yếu, có thể tự chết trong khoảng 1 giờ khi tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ, ánh sáng mặt trời hoặc thuốc sát khuẩn.
Triệu chứng ho gà
Sau khoảng 5-10 ngày kể từ khi nhiễm khuẩn, bệnh bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên. Các triệu chứng này thường là đau họng, ho, sốt nhẹ và cảm lạnh.
Điểm đặc biệt ở bệnh ho gà là cơn ho sẽ ngày càng nặng, tạo thành cơn ho kịch liệt, diễn ra trong 1- 2 tuần, thậm chí kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn tùy thuộc vào cách điều trị và thể trạng sức khỏe của người bệnh.
Hơn nữa, khi ho, trẻ ho rũ rượi không thể tự kiểm soát được, tiếp đến là thở rít tựa như tiếng gà gáy. Cơn ho thường đi kèm với nhiều đờm, dãi và gây nôn.
Theo Cục Y tế Dự phòng, dựa vào diễn tiến bệnh, thứ tự xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bệnh ho gà được chia làm 4 giai đoạn sau:
Thời kỳ ủ bệnh
Giai đoạn ủ bệnh dao động trong khoảng từ 6-20 ngày, chủ yếu rơi vào khoảng 9-10 ngày. Bệnh nhân chưa có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Thời kỳ khởi phát (khoảng 1-2 tuần)
Giai đoạn khởi phát của bệnh ho gà kéo dài khoảng 10-14 ngày. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện ở mức độ nhẹ, dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác như sốt nhẹ, chảy nước mắt, sổ mũi, ho, hắt hơi, chán ăn, bơ phờ, khàn tiếng. Lưu ý, cơn ho sẽ trở nên nặng hơn ở cuối giai đoạn này.
Thời kỳ toàn phát (khoảng 2-3 tuần)
Giai đoạn toàn phát, các triệu chứng của ho gà xuất hiện một cách rõ rệt và nặng hơn, gồm ho rũ rượi, ho thành cơn. Cơn ho liên tiếp khiến trẻ trở nên yếu dần, có thể gặp phải tình trạng ngưng thở do thiếu oxy, đỏ mắt, da tím tái, nổi tĩnh mạch cổ, chảy nước mắt, nước mũi.
Thở rít: Tiếng rít giống tiếng gà xuất hiện sau cơn ho hoặc xen kẽ mỗi tiếng ho. Riêng trẻ dưới 6 tháng tuổi, hiếm khi nghe thấy tiếng rít trong cơn ho.
Đờm: Sau cơn ho, bệnh nhân thường sẽ khạc đờm trắng, màu trong, dính và có chứa vi khuẩn gây bệnh.
Nôn mửa: Đây là một trong những biểu hiện đặc trưng của bệnh ho gà trong giai đoạn toàn phát.
Thời kỳ lui bệnh
Khi được hỗ trợ điều trị và chăm sóc đúng cách, thường bắt đầu từ tuần thứ 4 kể từ khi phát bệnh, các triệu chứng của bệnh ho gà sẽ được cải thiện và dần biến mất hoàn toàn. Cơn ho giảm dần, nhưng có thể mất một khoảng thời gian khá lâu sau đó để hết hẳn. Một số trường hợp cơn ho tái phát, trở nặng gây viêm phổi.
Bệnh ho gà lây truyền qua đường nào?
Ho gà là một bệnh lý chỉ xuất hiện ở người, không xảy ra ở động vật. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy cơ bùng phát thành dịch cao. Nguy cơ mắc bệnh trên 80% khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
Bệnh lây nhiễm mạnh nhất kể từ khi bệnh nhân bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên. Con đường lây lan bệnh chủ yếu thông qua đường hô hấp. Khi người khỏe mạnh tiếp xúc với các giọt bắn có chứa vi khuẩn Bordetella Pertussis do người bệnh phát tán ra môi trường bên ngoài khi ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, mũi, đờm, chất nôn, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Lưu ý, theo cảnh báo của Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, bệnh ho gà có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi, giới tính, dân tộc và khu vực sống.
Bệnh ho gà có nguy hiểm không?
Bệnh ho gà thường không gây nguy hiểm ở người lớn và trẻ vị thành niên. Các triệu chứng xảy ra ở mức độ nhẹ, có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, ho gà ở trẻ em là một bệnh lý nguy hiểm, không chỉ gây biến chứng mà còn đe dọa tính mạng của trẻ. Ở trẻ có hệ miễn dịch suy giảm, chưa tiêm vaccine phòng ngừa ho gà, bệnh có diễn tiến nhanh chóng và nặng hơn.
Thống kê của Cục Y tế Dự phòng đã chỉ ra rằng, có 90% bệnh nhân ho gà là trẻ em do chưa được tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản.
Tại Việt Nam, khi chưa thực hiện chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh ho gà lưu hành ở mọi nơi trong cả nước, nghiêm trọng nhất là ở các khu vực miền núi - nơi có điều kiện kinh tế, xã hội kém phát triển.
Bệnh dễ bùng phát thành dịch, có tính chu kỳ từ 3-5 năm, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Sau năm 1986, khi chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai, hầu hết trẻ dưới 1 tuổi đã được tiêm đủ 3 mũi vaccine cơ bản phòng trừ bệnh bạch hầu -ho gà-uốn ván. Điều này giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ho gà xuống còn 7,5/100.000 người dân trong giai đoạn 1991-1995 và còn 1,8/100.000 người trong giai đoạn 1996- 2000.
Biến chứng của bệnh ho gà
Đa số biến chứng của bệnh ho gà xuất hiện khi bệnh phát sinh bội nhiễm do chăm sóc và điều trị muộn, không đúng cách. Các biến chứng thường gặp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gồm
Viêm phổi-viêm phế quản
Biến chứng viêm phổi – viêm phế quản thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ bị suy dinh dưỡng hay có sức đề kháng yếu. Biến chứng có thể bắt đầu từ tuần thứ 2 sau khi các cơn ho xuất hiện, gây nên các triệu chứng như sốt cao kéo dài, mệt mỏi, da tái xám. Một số trường hợp trẻ có thể khó thở khi bệnh tiến triển nặng.
Suy hô hấp
Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh xảy ra ở mức độ nghiêm trọng có thể gặp phải biến chứng suy hô hấp. Biến chứng này khiến trẻ tăng cân bất thường, phù mặt và chân, tăng huyết áp, mạch đập nhanh, nổi tĩnh mạch cổ và có thể dẫn đến suy tim, gan to, đau…
Bệnh não do thiếu oxy trong quá trình suy hô hấp
Suy hô hấp do ho gà có thể gây tổn thương hệ thần kinh và một số bệnh lý về não bộ nghiêm trọng như viêm não, xuất huyết não, phù não,… Các tổn thương này có thể xuất hiện từ tuần đầu tiên khi trẻ xuất hiện cơn ho gà với các triệu chứng như sốt cao đột ngột, da xám, môi tím, chân tay lạnh, xuất hiện co giật,… Khi có các biểu hiện này, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao, cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.
Một số biến chứng khác
Ngoài các biến chứng trên, bệnh ho gà có thể gây nên một số biến chứng khác như xuất huyết kết mạc, tràn khí màng phổi, thắt thoát vị, sa trực tràng, viêm tai giữa, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, tê liệt, thoát vị rốn và trực tràng,… Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh ho gà sớm và đúng cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Điều trị bệnh ho gà
Dựa vào thể trạng sức khỏe, độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất cho trẻ.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, khi có dấu hiệu mắc bệnh ho gà, trẻ sẽ được yêu cầu nhập viện để theo dõi và điều trị tích cực nhằm ngăn ngừa cơn ho khiến trẻ ngạt thở, ngừng thở. Trẻ cần được hỗ trợ hút đờm dãi khi cơ thể tiết ra quá nhiều. Nếu trẻ gặp các vấn đề về hô hấp, khó thở, trẻ có thể được hỗ trợ thở oxy, thở máy. Đồng thời, bù nước, bù điện giải và bổ sung đủ dưỡng chất là một trong những nguyên tắc quan trọng trong điều trị ho gà.
Cách phòng tránh bệnh ho gà
Một số cách phòng ngừa bệnh ho gà hiệu quả được khuyến cáo thực hiện:
Tiêm phòng
Tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng lịch là cách tốt nhất và hiệu quả nhất trong phòng ngừa bệnh ho gà. Hơn nữa, khi mắc bệnh, bệnh xảy ra ở mức độ nhẹ và dễ kiểm soát hơn.
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Để phòng ngừa bệnh ho gà, khu vực sống, nhà ở, phòng học, nhà trẻ, khu vui chơi… cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, và có đủ ánh sáng mặt trời. Các vật dụng trong nhà, nhất là đồ dùng cá nhân cần được vệ sinh bằng dung dịch vô khuẩn hàng ngày. Bên cạnh việc giữ vệ sinh cá nhân, trẻ cần được hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn đúng cách, thường xuyên, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Khi ho, hắt hơi, trẻ cần lấy giấy che miệng và mũi lại, sau đó vứt giấy vào thùng rác và rửa tay sạch sẽ. Đồng thời, trẻ nên hạn chế đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng.
Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý
Các chuyên gia khuyến cáo trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Đây là nguồn dinh dưỡng lý tưởng, cung cấp kháng thể cho trẻ, từ đó, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, hạn chế mắc các bệnh vặt.
Đối với trẻ lớn hơn, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học sẽ giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thăm khám định kỳ
Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện bệnh, nguy cơ mắc bệnh sớm (nếu có). Từ đó, thực hiện biện pháp phòng ngừa và can thiệp kịp thời, giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm./.