Lâm Đồng: Hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ điển hình tiên tiến vùng dân tộc thiểu số
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Ban Dân tộc tỉnh sẽ khen thưởng người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ an ninh, giữ gìn văn hóa.
Năm 2024, tỉnh Lâm Đồng sẽ dành gần 4,4 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nội dung Tiểu dự án trên gồm tổ chức hoạt động tập huấn, hỗ trợ vật chất tinh thần, tổ chức đi học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh, đón tiếp các đoàn người có uy tín trong và ngoài tỉnh đến tham quan và giao lưu học tập.
Theo Kế hoạch số 5860/KH-UBND ngày 15/7/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu 100% người có uy tín được cung cấp thông tin, tập huấn bồi dưỡng kiến thức; được cấp miễn phí 1 tờ báo Trung ương và 1 tờ báo địa phương; được hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà trong các dịp lễ, Tết, hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần khi bản thân và gia đình người có uy tín ốm đau, hoạn nạn.
Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc được Ủy ban Nhân dân tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh biểu dương, khen thưởng.
Ngoài ra, tỉnh tổ chức cho 90 người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh.
Trong tổng nguồn kinh phí 4,385 tỷ đồng để triển khai Kế hoạch trên, tỉnh Lâm Đồng sẽ sử dụng 1,82 tỷ đồng để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp báo chí, cẩm nang và xây dựng phóng sự nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể, hoạt động hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần người có uy tín sẽ sử dụng 670 triệu đồng; hoạt động tổ chức cho 2 đoàn người có uy tín, nhân tố điển hình đi tham quan học hỏi sẽ được bố trí khoản kinh phí 892 triệu đồng. Còn lại là kinh phí dùng để tiếp đón các đoàn người có uy tín đến Đà Lạt và tổ chức triển khai thực hiện chính sách người có uy tín.
Lâm Đồng có dân số toàn tỉnh gần 1,4 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có trên 338.000 người, thuộc 47 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Trong những dân tộc đang sinh sống tại địa bàn, đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 17%.
Toàn tỉnh có 78 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi phân định theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025. Trong số đó có 4 xã khu vực 3 thuộc huyện Đam Rông; 1 xã khu vực 2 thuộc huyện Lạc Dương; 72 xã khu vực 1 thuộc các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương và xã Tà Nung thuộc thành phố Đà Lạt. Di Linh là huyện có số xã khu vực 1 nhiều nhất gồm 18 xã và thị trấn Di Linh.
Từ nhiều năm qua, những người có uy tín trong các dòng họ vùng dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng trong việc vận động người dân trong thôn, bản, trong các dòng tộc tích cực lao động sản xuất; chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn sự bình yên trên quê hương.
Theo thống kê, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng còn trên 6.600 hộ nghèo, chiếm 1,94%; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn hơn 4.500 hộ./.