Lãi suất qua đêm liên ngân hàng tăng mạnh nhất trong 4 tháng qua
Lãi suất liên ngân hàng hiện đang ở mức 2,2%, đây là mức lãi suất cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023 và cao hơn nhiều so với lãi suất huy động tại các kỳ hạn dưới 1 tháng của các ngân hàng.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90% giá trị giao dịch) trong những phiên gần đây đã tăng mạnh.
Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng ngày 23/10 lên 2,22% từ mức 1,47% ghi nhận vào phiên trước đó (20/10). Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023 và cao hơn nhiều so với lãi suất huy động tại các kỳ hạn dưới 1 tháng của các ngân hàng (0,1%-0,5%/năm).
Lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn khác cũng đồng loạt tăng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn một tuần đã tăng từ mức 1,64%/năm ngày hôm trước lên ngưỡng 2,47%/năm, cao nhất kể từ tháng Sáu. Lãi suất kỳ hạn hai tuần đã tăng từ 1,66%/năm lên 2,12%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng từ 1,86%/năm lên 2,4%/năm.
[Kinh tế đang phục hồi, có nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành]
So với mức thấp hồi cuối tháng Chín (0,16%-0,19%), lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã tăng lên gấp 12-13 lần. Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác như 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng cũng đều tăng mạnh.
Việc lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng lên trong những phiên gần đây là dấu hiệu cho thấy tình hình dư thừa thanh khoản có thể đã được cải thiện.
Trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, lượng tín phiếu trúng thầu liên tục giảm trong những phiên gần đây.
Đáng chú ý, phiên 25/10 chỉ có 2 thành viên thị trường tham gia đấu thầu tín phiếu và đều trúng thầu với tổng khối lượng đạt 600 tỷ đồng. Đây là phiên có số lượng thành viên tham gia và lượng tín phiếu trúng thầu thấp nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh phát hành tín phiếu vào giữa tháng Chín.
Ở chiều ngược lại, có tới 20.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong phiên ngày 25/10 và kênh cầm cố giấy tờ có giá tiếp tục không phát sinh giao dịch. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 19.400 tỷ đồng trong ngày 25/10.
Tính chung 5 phiên vừa qua, đã có gần 70.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, nhưng chỉ có 8.200 tỷ tín phiếu được phát hành mới. Như vậy, nhà điều hành đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng tổng cộng gần 61.800 tỷ đồng.
Sau 25 phiên chào thầu liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tổng cộng gần 263.900 tỷ đồng tín phiếu, trong đó số tín phiếu đã đáo hạn là 70.000 tỷ đồng. Hiện, lượng tín phiếu lưu hành đã giảm về còn 193.900 tỷ đồng, tương ứng với số tiền được nhà điều hành rút ra khỏi hệ thống kể từ khi mở lại kênh phát hành tín phiếu.
Dự kiến từ nay đến hết tháng Mười, sẽ còn thêm 4 lô trái phiếu nữa đáo hạn với tổng trị giá là 40.700 tỷ đồng.
Giới phân tích cho rằng, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Tỷ giá trong những phiên gần đây cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tỷ giá trung tâm đã giảm từ mức đỉnh 24.110 đồng hôm 20/10 xuống còn 24.095 đồng trong phiên hôm nay.
Tại Vietcombank, tỷ giá cũng đã đi xuống nếu so với mức đỉnh ghi nhận vào ngày 23/10. Giá mua vào - bán ra hôm nay đạt lần lượt 24.400 đồng và 24.740 đồng, cùng giảm 20 đồng so với ngày đầu tuần.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này sẽ điều hành ổn định tỷ giá. “Doanh nghiệp cứ yên tâm với tỷ giá. Hiện tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép, chúng tôi khẳng định sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng. Hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỷ giá,” Phó Thống đốc nói.
Về lãi suất, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành theo hướng ổn định, hạ thêm nữa khi có điều kiện, thậm chí kể cả lãi suất điều hành cũng có thể giảm thêm nếu điều kiện phù hợp./.