Lãi suất cho vay sẽ ra sao khi ngân hàng rục rịch tăng lãi sất huy động?
Các chuyên gia nhận định mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả như mong đợi.
Sau nhiều tháng liên tục “phá đáy,” kể từ đầu tháng Ba đến nay, lãi suất huy động rục rịch tăng đặc biệt từ đầu tháng Tư, lãi suất huy động tăng nhanh hơn. Theo biểu lãi suất mới nhất được các ngân hàng thương mại niêm yết, mức tăng lãi suất từ 0,2%-0,9/năm.
Loạt ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
Tính đến thời điểm này có khoảng 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó chủ yếu tập trung ở kỳ hạn dài.
Ngày 22/4, có thêm 2 ngân hàng tăng lãi suất huy động là Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) với mức tăng cao nhất lên đến 0,9%.
Cụ thể, OceanBank điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động, với mức tăng lên đến 0,9% với kỳ hạn 24 và 36 tháng lần lượt tăng thêm 0,8%-0,9%, hiện niêm yết ở mức 6%-6,1%/năm. Còn các kỳ hạn khác cũng được ngân hàng này điểu chỉnh tăng mạnh từ 0,3% đến 0,7%/năm. Đây là lần đầu tiên OceanBank tăng lãi suất huy động trong vòng một năm qua.
NCB cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn 10 tháng thêm 0,15%lên thành 4,8%/năm. Kỳ hạn 11 tháng tăng thêm 0,2% lên 4,85%/năm.
Mức tăng phổ biến tại các ngân hàng còn lại là 0,2% và chỉ áp dụng cho một số kỳ hạn. Tại nhóm ngân hàng tư nhân, một số đơn vị đang áp dụng mức lãi suất ở mức cao hơn so với thị trường, khoảng 3-3,3%/năm cho kỳ hạn 1-5 tháng là KienlongBank, Baoviet Bank.... Với kỳ hạn 6 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay là HDBank, VPBank, OCB, BVBank, Nam A Bank, OceanBank…
Xu hướng tăng lãi suất huy động không chỉ diễn ra ở những ngân hàng nhỏ mà còn diễn ra ở cả ngân hàng lớn thuộc nhóm Big 4.
VietinBank vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân có khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên, với mức tăng từ 0,2%-0,4%/năm.
Theo đó, nếu gửi tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng ở các kỳ hạn 1-12 tháng và từ 24 tháng trở lên, khách hàng cá nhân sẽ nhận được mức lãi suất tăng thêm 0,2%/năm. Đối với khách hàng gửi tiền từ 1 tỷ đồng trở lên, mức lãi suất tiết kiệm tăng thêm là 0,4%/năm. Lãi suất cao nhất khách hàng được hưởng là 5%/năm.
Đối với khách hàng gửi tiền với số dư dưới 300 triệu đồng, mức lãi suất tiết kiệm giữ nguyên so với biểu lãi suất trước đó, cao nhất chỉ 4,7%/năm.
Sau điều chỉnh này, VietinBank đang niêm yết lãi suất huy động nhỉnh hơn so với 3 ngân hàng lớn còn lại gồm Vietcombank, BIDV và Agribank.
Theo các chuyên gia, dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động không còn nhiều vì mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Mặt khác, kết thúc quý 1, tín dụng tăng trưởng khoảng 1,34% so với cuối năm 2023. Như vậy, sau 2 tháng đầu năm suy giảm, tín dụng tăng trưởng cho thấy nhu cầu vốn vay trong nền kinh tế đã hồi phục.
Đáng nói là tình hình huy động vốn 3 tháng đầu năm lại sụt giảm, vì vậy, dù Ngân hàng Nhà nước có hỗ trợ thanh khoản, thì các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay. Trong khi đó, áp lực từ lạm phát, tỷ giá đang tăng lên.
Thực tế, lãi suất tiết kiệm tăng phần nào giúp kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… phục hồi và có dấu hiệu hút tiền trở lại.
Các chuyên gia dự báo, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 0,5%-1%/năm từ nửa sau năm 2024 nhờ doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong tiếp cận tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nửa cuối năm cũng là giai đoạn tín dụng tăng cao hơn so với nửa đầu năm.
Liên quan đến những biến động lãi suất, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định việc tăng lãi suất tiết kiệm sẽ giúp kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… đang có tín hiệu phục hồi và thu hút dòng tiền trở lại. Ngoài ra ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm tránh việc người dân rút tiền đồng đầu cơ USD trong bối cảnh tỷ giá VND/USD đang tăng. Chưa kể chính ngân hàng cũng cơ cấu lại nguồn vốn để nhằm đón xu hướng tăng tín dụng trong thời gian tới.
Nhận định về vấn đề này ông Thịnh cho rằng mặt bằng chung của lãi suất huy động có thể không tăng quá nhiều trong vài tháng tới. Bởi lẽ, chủ trương lãi suất cho vay ở mức thấp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Điều này đòi hỏi các ngân hàng sẽ cần tính toán lãi suất ở mức hợp lý.
Lo sợ lãi suất cho vay “quay đầu” tăng
Động thái này tăng lãi suất huy động các ngân hàng thương mại đang thu hút sự chú ý của người gửi tiền lẫn người đi vay. Nhiều hộ gia đình cũng như doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, chủ một hộ kinh doanh tại Hà Nam cho biết đang được vay với lãi suất 8%/năm, giảm 3%/năm so với cuối năm ngoái.
"Lãi suất cho vay giảm khiến chúng tôi cũng dễ thở hơn vì tiền lãi phải đóng hằng tháng giảm. Ngân hàng cũng cấp sẵn cho tôi hạn mức nhưng cứ 6 tháng, tôi lại phải đáo hạn một lần. Do vậy, tôi lo 6 tháng nữa sẽ phải nhận vốn với lãi suất cao hơn. Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất tăng là thách thức với hộ kinh doanh như tôi," anh Tuấn nói.
Đại diện cho các doanh nghiệp thành phố Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết bức tranh hoạt động sản xuất và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp hiện vẫn chưa được cải thiện rõ. Thống kê khảo sát riêng các doanh nghiệp ở Hà Nội cho thấy, có tới 52% số doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng để sản xuất, 32% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn và 9% doanh nghiệp lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế. Vì vậy, nếu các ngân hàng tăng lãi suất cho vay dịp này doanh nghiệp sẽ càng gặp khó khăn.
Tuy nhiên cũng cho ý kiến cho rằng lãi suất không phải là vấn đề cơ bản, cái chính là hiện nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất nên trong trường hợp này lãi suất vay thấp cũng không phải là "cây đũa thần" để hỗ trợ được các doanh nghiệp.
Một số chuyên gia cũng nhận định, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể, bởi với việc điều chỉnh giảm biên độ lợi nhuận trên từng khoản vay, các ngân hàng thương mại sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể nếu vẫn muốn đạt chỉ tiêu lợi nhuận chung cuối năm. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại, cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả như mong đợi./.