Kỳ vọng thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu chủ lực

Các doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn như thiếu hiểu biết về cách vận hành nền tảng thương mại điện tử, tối ưu trải nghiệm người dùng; hệ thống logistic chưa phát triển đồng đều.

Người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm qua Amazon. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 với chủ đề “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vào ngày 26/11 tới đây.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy vào năm 2023, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt giá trị hơn 20 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 52 tỷ USD vào năm 2025.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, cùng với cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Vì thế, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cũng đang gặp nhiều khó khăn khi tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử, đơn cử như: nhiều MSME thiếu hiểu biết về cách vận hành nền tảng thương mại điện tử và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Hệ thống vận chuyển và kho bãi chưa phát triển đồng đều, gây khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu giao hàng quốc tế. Các quy định phức tạp và khác biệt về thuế giữa các quốc gia khiến việc kinh doanh xuyên biên giới trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ thường thiếu nguồn lực để cạnh tranh với các công ty lớn về giá cả và chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thường gặp khó khăn trong việc thu thập và phân tích dữ liệu để hiểu rõ thị trường quốc tế.

Do vậy, Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 với chủ đề “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt” nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin toàn cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam và quốc tế; giới thiệu các mô hình, giải pháp hỗ trợ MSME thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến. Sự kiện được kỳ vọng mang lại cơ hội hiệu quả cho xuất khẩu xuyên biên giới, góp phần nâng cao vị thế các thương hiệu hàng hóa chất lượng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Theo Ban tổ chức, Diễn đàn có sự tham dự của 500 đại biểu đến từ các bộ, ban ngành, địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế (Đại sứ quán, Thương vụ của một số quốc gia châu Á tại Việt Nam); đại diện các Hội, Hiệp hội liên quan; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp tại Việt Nam và khu vực châu Á; các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế.

Thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, hỗ trợ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Tại các phiên làm việc sáng và chiều, các bài trình bày tham luận của diễn giả trong nước và quốc tế sẽ góp phần cập nhật xu hướng xuất khẩu mới qua thương mại điện tử xuyên biên giới, con đường nhanh nhất tiếp cận thị trường quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tìm hiểu mô hình kho ngoại quan, mô hình O2O (online-to-offline) và các chiến lược thành công tại các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á; Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn, bài học từ dự án thành công và thất bại…

Bên cạnh đó, Diễn đàn giúp doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt quy định pháp luật về thương mại điện tử xuyên biên giới, thủ tục hải quan, thuế và các vấn đề pháp lý tại Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc…; Xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, giảm thiểu rủi ro nhờ cập nhật thông tin, xu hướng mới nhất.

Bên lề diễn đàn còn có hơn 80 gian hàng tham gia triển lãm nhằm tạo cơ hội kết nối giao thương, giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài với nhà cung cấp quốc tế, đối tác logistics, nền tảng thương mại điện tử và doanh nghiệp trong ngành./.