Kỳ thi tuyển sinh lớp 10: Công lập không phải con đường duy nhất nối dài sự học
Vào lớp 10 Trung học Phổ thông công lập không phải là con đường duy nhất để học sinh nối dài sự nghiệp học hành bởi nhiều loại hình đào tạo khác cũng có thể giúp các em thành công ở bậc học cao hơn.
Chỉ vài ngày nữa, hơn 106.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội sẽ tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông công lập năm học 2024 - 2025.
Sự cạnh tranh giành suất vào trường công lập khiến nhiều phụ huynh và học sinh chịu áp lực không nhỏ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, không ít gia đình đã sớm tính toán, tìm phương án dự phòng nếu con trượt công lập; có nhiều phụ huynh không đăng ký cho con thi công lập vì cho rằng công lập không phải con đường duy nhất để nối dài sự học của con mình.
Nhiều lựa chọn cho học sinh
Năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho 119 trường Trung học Phổ thông công lập là 81.200 học sinh.
Với số lượng hơn 106.000 học sinh đăng ký tham dự kỳ thi, sẽ có gần 25.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 các trường Trung học Phổ thông công lập. Như vậy, nếu thi trượt công lập, các học sinh sẽ tiếp tục chặng đường học tập như thế nào, đây là mối quan tâm của nhiều gia đình ở Hà Nội khi có con tham dự kỳ thi này.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại hình trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng học tập của học sinh.
Năm học 2024-2025, ngoài hệ thống các trường Trung học Phổ thông công lập, Hà Nội còn có hơn 100 trường tư thục, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và gần 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tuyển học sinh lớp 10.
“Bảo đảm chỗ học cho 100% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở là chủ trương được thành phố duy trì nhiều năm nay. Ngành Giáo dục Hà Nội đã và đang tích cực tham mưu với thành phố triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn để mở rộng quy mô, mạng lưới trường học, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô,” ông Trần Thế Cương chia sẻ.
Thực tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều trường tư thục lớn, có uy tín và chất lượng đào tạo. Học phí của các trường tư thục cũng có nhiều mức, các gia đình căn cứ vào điều kiện kinh tế để lựa chọn trường phù hợp cho con em.
Năm học 2024-2025, Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) được giao 495 chỉ tiêu, cao hơn năm trước 35 chỉ tiêu. Học sinh có thể dự tuyển bằng học bạ cấp Trung học Cơ sở hoặc sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường có đội ngũ giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm, tâm huyết, cộng với mức học phí trung bình, chương trình học sáng tạo đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của các phụ huynh ngay từ khi học sinh chưa tốt nghiệp Trung học Cơ sở.
Với định hướng giáo dục toàn diện cho học sinh về "đức-trí-thể-mỹ," Trường Phổ thông liên cấp Bảo Long (huyện Gia Lâm) xác định bên cạnh việc đảm bảo khung chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh theo học tại trường có cơ hội tham gia rèn luyện các kỹ năng, các môn thể thao như golf, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ... Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức xe đưa đón theo tuyến để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Không bị quy định khu vực tuyển sinh như những trường Trung học Phổ thông công lập, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cũng là một lựa chọn cho học sinh.
Khi hoàn thành chương trình lớp 12, học viên đủ điều kiện được tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và bằng tốt nghiệp của học viên giáo dục thường xuyên không có gì khác biệt so với học sinh lớp 12 trường công lập. Các học sinh hoàn toàn có thể tiếp tục học ở bậc học cao hơn như các học sinh khác.
Học sinh còn có thể đăng ký dự tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo Trung học Phổ thông. Qua đó, học sinh vừa có bằng văn hóa, vừa có bằng nghề, đồng nghĩa với nhiều lựa chọn hơn khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Hài lòng với lựa chọn
Em Nguyễn Tùng Lâm, từng là học sinh Trường Trung học Cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi thi lên lớp 10, em bị trượt tất cả các nguyện vọng.
Hiện em đang là sinh viên năm thứ hai của Khoa Luật, Học viện Thanh thiếu niên (quận Đống Đa, Hà Nội). Nói về lựa chọn học nghề của mình, em Tùng Lâm cho biết, sau khi thi trượt công lập, em đăng ký học văn hóa song song với học nghề hướng dẫn viên du lịch tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Sau một năm học, em thấy mọi thứ diễn ra vừa sức học của mình. Chương trình học văn hóa không khác các trường công lập mà còn được giảm tải. Em cảm thấy thoải mái, ít áp lực, có thời gian để đầu tư vào các kỹ năng vốn là sở trường của bản thân.
“Trong 3 năm học Trung học Phổ thông, em vừa học nghề, vừa học thêm tiếng Anh, tiếng Nhật và đã đỗ đại học như các bạn học công lập. Em đã chọn một con đường khác và vẫn về đích chung..." - Tùng Lâm vui vẻ chia sẻ.
Khác với nhiều năm trước, ngay từ đầu năm học 2023-2024, nhiều bậc phụ huynh có con học lớp 9 đã dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc sức khỏe cũng như duy trì tâm lý ổn định, tự tin cho con. Nhiều người cho biết sẽ đồng hành cùng con để đưa ra lựa chọn phù hợp, không vì mục đích buộc phải vào trường công lập mà khiến con bị áp lực ôn tập dài ngày, căng thẳng quá mức dẫn đến những hậu quả không lường trước được.
"Con tôi có sức học vừa phải nên gia đình sớm lựa chọn cho con học ở 1 trường tư thục. Quyết định này được đưa ra sau khi gia đình nghiên cứu, trao đổi với con. Tôi nghĩ học trong môi trường nào cũng vậy, quan trọng là bản thân con mình. Nếu con muốn học nghề, tôi cũng bằng lòng bởi học nghề cũng có thể là mở đầu cho mục đích đã được định hướng trước,” chị Nguyễn Phương Mai (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.
Có thể thấy, vào lớp 10 Trung học Phổ thông công lập không phải là con đường duy nhất để các học sinh nối dài sự nghiệp học hành. Nhiều loại hình đào tạo khác cũng có thể giúp các em thành công, đỗ đạt ở các bậc học cao hơn.
Vì vậy, các gia đình và bản thân học sinh không nên coi việc trượt công lập là một thất bại bởi nó có thể mở ra những sự lựa chọn khác mang lại hiệu quả sau này./.