Kỳ họp thứ nhất sau hợp nhất: Đưa Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam

Đây là kỳ họp có ý nghĩa chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng; thông qua các nghị quyết, quyết định về công tác nhân sự, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Ngày 1/7, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ nhất sau khi hợp nhất hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng.

Đây là kỳ họp có ý nghĩa chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng; thông qua các nghị quyết, quyết định về công tác nhân sự, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng...

Kỳ họp có sự tham dự của Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua việc thành lập 4 ban của Hội đồng Nhân dân sau sắp xếp là: Ban Đô thị, Ban Văn hóa-Xã hội, Ban Kinh tế-Ngân sách, Ban Pháp chế; đồng thời, thành lập 14 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đã trao các quyết định bổ nhiệm công chức, lãnh đạo, quản lý 14 cơ quan chuyên môn.

Kỳ họp đã thông qua nội dung về biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền và các hội năm 2025 của thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, công chức trong cơ quan của Hội đồng Nhân dân, cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng là 2.692 biên chế; công chức của chính quyền địa phương các xã, phường, đặc khu là 5.714 biên chế; tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập là 44.908 chỉ tiêu; số lượng người làm cơ sở cấp kinh phí tại các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là 88 chỉ tiêu.

Đối với các Hội cấp tỉnh thuộc tỉnh Quảng Nam (cũ), Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng tiếp tục giao 90 chỉ tiêu từ tổng chỉ tiêu số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách đến hết năm 2025.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đức Dũng yêu cầu, ngay sau kỳ họp, các cơ quan, đơn vị khẩn trương kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ rõ ràng; ban hành quy chế làm việc để bảo đảm bộ máy chính quyền vận hành nhịp nhàng, hiệu quả, thông suốt.

Địa phương tăng cường phối hợp giữa Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, các cơ quan tư pháp, các sở, ngành và địa phương; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành của Ủy ban Nhân dân thành phố; tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân…

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, Hội đồng Nhân dân thành phố cần tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, giám sát, thẩm tra và quyết nghị các vấn đề lớn của thành phố.

Trước mắt, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung trình kỳ họp tiếp theo trong năm 2025, trong đó chú trọng rà soát, đối chiếu và điều chỉnh các nghị quyết đã được Hội đồng Nhân dân hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng ban hành trước đây, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn vận hành địa phương sau hợp nhất, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư công, tổ chức bộ máy, an sinh xã hội và phát triển hạ tầng sau sáp nhập...

Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đức Dũng, thành công của kỳ họp sẽ là nền tảng để Hội đồng Nhân dân thành phố thực thi đầy đủ vai trò đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Kỳ họp là khởi đầu của một giai đoạn mới với tầm nhìn chiến lược và đột phá, khơi dậy khát vọng phát triển; phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng hiện đại, chất lượng sống cao, trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam, cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.