Kỳ họp thứ 3: Tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa hoạt động điện ảnh là rất quan trọng.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 25/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đây là lần thứ hai, Quốc hội thảo luận toàn thể về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức hội nghị, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật, gửi dự thảo Luật xin ý kiến một số bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.

Nhiều vấn đề mới

So với dự thảo lần đầu, sau qua 4 lần chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự kiến có thêm nhiều điểm mới, sửa đổi. Dự thảo gồm 8 chương, 50 điều – tăng thêm 6 điều so với dự thảo lần 1.

Theo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Luật Điện ảnh (sửa đổi) là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, liên quan đến các nội dung như chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; phổ biến phim trên không gian mạng; hợp tác điện ảnh với nước ngoài; chính sách hậu kiểm, phân loại phim...

Những vấn đề cơ bản của dự thảo Luật bao gồm: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh; đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim; phân loại phim; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh; hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phát hành phim; phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim; phổ biến phim trên hệ thống truyền hình; phổ biến phim trên không gian mạng; phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; lưu chiểu, lưu trữ phim; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh;...

Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh mới quy định trong Luật.

[Giải quyết 'bài toán' thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay]

Những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn được quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

So với dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới. Đến nay, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá dự thảo Luật đã đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu về thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh, công nghiệp điện Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa-xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự án Luật này. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật.

Tạo điều kiện để thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh

Ngày 29/3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Cho ý kiến tại hội nghị, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Ngọc Quý phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) ngày 29/3. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhấn mạnh đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới, tiếp thu tương đối đầy đủ nhiều ý kiến hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đảm bảo chất lượng tốt nhất, các đại biểu đề nghị xem xét, làm rõ thêm nhiều nội dung liên quan đến: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; Về cấp Giấy phép phân loại phim, thẩm định và phân loại phim (Điều 27 và Điều 31); Phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; Về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam (Điều 41)…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thể hiện rõ quan điểm đối với những nội dung được trình xin ý kiến liên quan đến quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 42, 43, 44); Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13)…

Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội và đặc biệt là sau Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với trách nhiệm là cơ quan soạn thảo, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra từng bước hoàn thiện dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

“Đúng như Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo, đây là một luật phải đảm bảo được 2 mục tiêu, vừa tạo điều kiện để phát triển môn nghệ thuật đồng thời mở ra một hướng là một ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo phải làm sao cân đối được các mục tiêu chính này để thiết kế các điều luật phù hợp với xu thế chung. Trong quá trình soạn thảo, cơ quan đã nghiên cứu 20 luật của các nước phát triển khác nhau, đồng thời tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành Luật Điện ảnh để xem xét các vấn đề… ,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Tinh thần chung là việc bổ sung các chính sách mới, đặc thù là cần thiết để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy ngành điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phát triển. Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh là rất quan trọng...”

Có thể nói, mặc dù là luật sửa đổi song với quy mô sửa và bổ sung nhiều các chính sách mới liên quan đến các mảng, lĩnh vực cốt yếu của điện ảnh Việt Nam, với tinh thần xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện của các đại biểu Quốc hội, Luật Điện ảnh (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 này sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển./.

Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)